Ngữ pháp tiếng Tày Nùng – Các loại từ: V.VI Phụ từ

CHƯƠNG V: CÁC LOẠI TỪ

V.VI PHỤ TỪ

Ngoài năm loại từ đã trình bày ở các phần trước, trong Tiếng Tày – Nùng còn có những từ chuyên làm nhiệm vụ phụ cho các từ khác. Bản thân chúng không thể dùng độc lập được. Ta gọi loại từ này là phụ từ.

Căn cứ vào ý nghĩa và loại từ mà chúng phụ thuộc vào ta có thể phân phụ từ thành mấy loại sau đây:

  • Phụ từ đơn vị,
  • Phụ từ số lượng,
  • Phụ từ thời gian,
  • Phụ từ phủ định
  • Phụ từ mức độ.

1. PHỤ TỪ ĐƠN VỊ

Loại phụ từ này thường biểu thị đơn vị, đồng thời cả chủng loại của sự vật nữa. Xét về khả năng kết hợp với các loại từ khác, chúng có nhiều điểm giống danh từ, như có thể đứng trước đại từ chỉ định NẨY (này), TỈ (kia), và đặt sau số từ số lượng. Ta có thể nói HẢ TUA NẨY (năm con này). Nhưng chúng lại có nhiều đặc điểm ngữ pháp khác hẳn danh từ, cụ thể là:

(a) Không sử dụng độc lập được ở trong câu, không có khả năng làm từ trung tâm trong cụm từ chính phụ, trừ trường hợp hoàn cảnh nói năng cho phép. Người ta sẽ không thể hiểu được nếu bất thình lình nghe một câu như sau: TUA KIN NHẢ (con ăn cỏ), nhưng có thể hiểu được đoạn câu trên trong hoàn cảnh thế này: MÌ SLOONG TUA VÀI, TUA KIN NHẢ, TUA NÒN (có hai con trâu, con ăn cỏ, con nằm)

(b) Khi danh từ chỉ loại (vật hữu sinh, vật vô sinh) cần được xác định về số lượng thì phải có chúng xen vào giữa làm môi giới. Thí dụ:

  • Slam tua cáy (ba con gà)
  • Hả tèo slâu (năm cái cột)
  • Kỉ bâư chỉa (mấy tờ giấy)

Số lượng và tính chất của các phụ từ đơn vị rất phong phú. Nó tạo ra sự đối lập giữa những từ chỉ loại dùng cho người và động vật, giữa động vật và thực vật, giữa vật vô sinh và vật hữu sinh…

  • Phụ từ đơn vị chỉ dùng cho người: Hò, vằng (thằng, đứa), tua, té (đứa, thuộc con gái), ít (đứa, thuộc con trai)…
  • Phụ từ đơn vị dùng cho cả người lẫn động vật: tua (con), lục (con, mống), slẳm (mống)…
  • Phụ từ đơn vị chỉ dùng cho thực vật: co (cây)(1).
  • Phụ từ đơn vị dùng cho vật vô sinh: mạc (cái), tèo (cái, chiếc), slẩn (cái, sợi, chiếc), bâư (cái, chiếc), phén (cái, tấm), muối (hột), ăn, ngé (cái, chiếc)…

Phần lớn loại phụ từ chỉ vật vô sinh này có khả năng mô tả những tính chất và những hình dạng khác nhau của sự vật. Thí dụ:

MẠC chỉ những vật sắc nhọn, thường là những đồ dùng bằng kim loại:

  • Mạc khêm (cái kim), mạc pjạ (con dao).

TÈO, LẰM thường chỉ những vật dài nhưng không nhọn.

  • Tèo tậu (cái gậy), lằm slâu (cái cột)

SLẨN thường chỉ những vật nhỏ, dài mềm mại.

  • Slẩn chược (cái chạc), slẩn phjôm (sợi tóc).

BÂƯ thường dùng với vật có tiết diện rộng và mỏng

  • Bâư slửa (cái áo), bâư toong (cái lá).

PHÉN cũng chỉ vật có tiết diện rộng nhưng bề mặt có thể rộng và dày hơn BÂƯ

  • Phén tẹm (cái chiếu cót), phén pha (tấm liếp), phén fà (cái chăn).

ĂN, NGÉ có thể dùng với nhiều vật có hình thù khác nhau hơn.

  • Ăn rườn (cái nhà), ăn hua (cái đầu), ăn pat (cái bát); Ngé thiêng (cái chòi)…

2. PHỤ TỪ SỐ LƯỢNG

Phụ từ số lượng có tác dụng xác định một tập hợp sự vật không tính đến số lượng cụ thể. Trong Tiếng Tày – Nùng, phụ từ số lượng không đồng nhất. Căn cứ vào vị trí và khả năng kết hợp với các loại từ khác, ta có thể chia chúng thành ba nhóm nhỏ.

(a) Nhóm thứ nhất gồm những phụ từ số lượng chỉ kết hợp được với danh từ, như: BẠI (những, các), KỈ (mấy), MỌI (mỗi), TẤNG (từng)…

  • Bại pêt (những vịt = những con vịt)
  • Kỉ tua vài (mấy con trâu)

(b) Loại nhỏ thứ hai là những phụ từ số lượng, giống loại thứ nhất ở chỗ thường thường kết hợp với danh từ, nhưng đồng thời lại có thể đứng trước động từ với chức năng là một chủ ngữ và chỉ có thể ở vị trí đó với chức năng ấy mà thôi.

  • Hằm pà lằng mì… (tất cả có…)
  • Láo lúng dự… (tất cả mua…)

(c) Loại nhỏ thứ ba gồm những phụ từ số lượng chỉ kết hợp được với động từ, nhưng khác loại thứ hai ở chỗ, chỉ có thể đứng sau động từ vị ngữ để chỉ đối tượng bị chi phối

  • Dự thuổn (mua tất cả)
  • Au thuổn (lấy tất cả)

Riêng từ TẰNG BẠI (tất cả) là từ trung gian nằm giữa loại thứ hai và loại thứ ba. Nó có thể đứng trước động từ làm chủ ngữ, đứng sau động từ chỉ đối tượng chi phối; nhưng lại khác loại thứ hai ở chỗ không kết hợp được với danh từ.

Như vậy loại thứ hai và loại thứ ba ở vào thế đối lập nhau mà lại bổ sung cho nhau.

Ta có thể lập bảng tóm tắt:

Phụ từ số lượng bảng tóm tắt Vị trí
Trước danh từ Trước động từ Sau động từ
Loại Loại 1 +
Loại 2 + +
Loại 3 +

Chú thích:

+ Chỉ khả năng kết hợp được

–  Chỉ khả năng không thể kết hợp được.

3. PHỤ TỪ CHỈ THỜI GIAN

Đó là những từ thường xuyên đi kèm theo động từ và tính từ để bổ nghĩa cho chúng về thời gian. Trong Tiếng Tày – Nùng, loại phụ từ này không nhiều, ta chỉ gặp một số từ như:

CỎI (sẽ) chỉ thời tương lai

  • Vằn pjục cỏi hêt (ngày mai sẽ làm)

ĐANG SLÍ (đang) chỉ thời hiện tại

  • Đang slí kin (đang ăn)

NGÁM (vừa), CHẮNG (vừa, vừa mới), SLÉN, ĐÉ (đã), DÁ (rồi) chỉ thời quá khứ.

Trong đó: Ngám, chắng chỉ quá khứ vừa mới xảy ra; Slén, Đé chỉ quá khứ xảy ra khá lâu; DÁ chỉ quá khứ nói chung.

  • Ngám pây (vừa đi)
  • Slén hẳm (đã chặt lâu)
  • Cạ dá (bảo rồi)

Trong loại này, ta cần lưu ý DÁ và CỎI

DÁ luôn luôn đứng sau động từ trong khi các từ cùng loại lại luôn luôn đứng trước. Ngoài ra, DÁ còn có thể đứng sau cả một câu có tác dụng như một trợ từ, nên nhiều khi biểu thị ý nghĩa quá khứ không được chính xác lắm. Có lẽ đấy là lý do hiện nay trong văn viết Tày – Nùng mượn thêm từ ĐẠ (đã).

CỎI kết hợp được với đại bộ phận động từ, nhưng lại không kết hợp được với động từ chỉ hoạt động tâm lý [ LAO (sợ), CHÊP (đau)…] và tính từ, cho nên hiện nay mượn thêm từ XẸ (sẽ) của tiếng Việt là cần thiết.

4. PHỤ TỪ PHỦ ĐỊNH

Phụ từ phủ định có tác dụng phủ định hoạt động, trạng thái, tính chất do động từ và tính từ biểu thị. Nói chung, phụ từ không có khả năng dùng độc lập được, nhưng loại phụ từ này, khi dùng trong các câu đối thoại, có thể một mình tạo thành câu. Thí dụ:

  • Pây háng bấu? – Bấu (Đi chợ không? – Không)

Căn cứ vào chức năng, ta có thể phân phụ từ phủ định thành hai loại.

Loại thứ nhất vừa có thể dùng để phủ định, vừa có thể dùng để tạo câu hỏi:

MÍ, BẤU (không), XẰNG (chưa), PÁY (chưa, đừng).

  • Bấu slon (không học)
  • Slon bấu? (học không?)
  • Xằng hăn (chưa thấy)
  • Hăn xằng? (thấy chưa?)

Loại thứ hai chỉ dùng để phủ định chứ không thể dùng để tạo câu hỏi được:

DÁ (đừng), NÁ, NẮM (không)

  • Dá hêt (đừng làm)
  • Ná chăc (không biết)

5. PHỤ TỪ MỨC ĐỘ

Những phụ từ biểu thị mức độ chỉ kết hợp được với tính từ và một số động từ chỉ hoạt động tâm lý. Xét theo vị trí, ta có thể chia phụ từ mức độ thành hai loại.

  • Loại đứng trước: CHĂN (rất), NÀO (hơi, khá), HẲM (hơn).
  • Loại đứng sau: KHỂN (lắm), LAI (lắm), QUÁ (hơn), CẢ RÌNH (thật, tuyệt)

HẲM, QUÁ (hơn) đều có tác dụng nêu lên sự so sánh khi đi kèm theo một từ khác. Chúng khác nhau ở chỗ: HẲM bao giờ cũng đứng trước từ mà nó đi kèm, QUÁ thi ngược lại. Thí dụ:

  • Chăn đeng (rất đỏ)
  • Nào eng (hơi nhỏ)
  • Đây khển (đẹp lắm)
  • Khao quá (trắng hơn)
  • Hẳm khao (hơi trắng = trắng hơn)

Ngoài những phụ từ trên, ta cần nhắc đến phụ từ TỐ (cũng) là phụ từ thường hay đi kèm động từ và tính từ. Nó thường nêu lên những khía cạnh ý nghĩa sau:

(a) Chỉ hoạt động, tính chất xảy ra đồng nhất, đồng thời.

(b) Chỉ hoạt động, tính chất xảy ra trái với lẽ thường.

(c) Chỉ ra sự tạm được của hoạt động tính chất.

Thí dụ:

  • Chài pây noọng tố pây (anh đi tôi cũng đi)
  • Phân tố hêt (mưa cũng làm)
  • Hêt pện tố đảy (làm thế cũng được)