CHƯƠNG III – TỪ
III. IV. PHÉP LÁY TỪ VÀ XEN KẼ TỪ
Từ thuần Tiếng Tày – Nùng có thể láy lại (Từ láy âm ở phần III cùng chương này thuộc về hiện tượng tạo từ, còn láy từ ở đây thuộc về những cách dùng linh hoạt của từ), biểu hiện khả năng có thể sử dụng rất sinh động của từ vựng Tiếng Tày – Nùng. Ở đây ta sẽ sơ bộ nhìn qua khả năng đố trong cách láy từ và xen kẽ từ. Láy và xen kẽ có nhiều tác dụng khác nhau, như: Biểu thị sự nhấn mạnh và mức độ tăng tiến, biểu thị lượng nhiều hay ít, hành động hoặc tính chất liên tục hay gián đoạn…
1. LÁY TỪ
Láy từ có hai kiểu: Láy toàn bộ và láy bộ phận
A. LÁY TOÀN BỘ: Từ thuần một âm tiết nói chung đều có thể láy lại toàn bộ, tức là lặp lại một lần âm thanh của từ (Từ thuần chỉ tên sự vật tập hợp như: DÀI (cát), PHÂN (mưa), NẶM (nước)… không có cách láy lại). Thí dụ:
A.1 Huyện huyện (huyện), sluôn sluôn (vườn), tởi tởi (đời), co co (cây), pi pi (năm).
A.2 Xẻ xẻ (kéo), xup xup (ngửi), khay khay (mở), đeng đen (đỏ), hom hom (thơm), đảng đảng (lạnh).
Những từ láy ở A.1 thường có tác dụng phiếm chỉ, HUYỆN HUYỆN (huyện nào huyện nấy, từng huyện từng huyện một), SLUÔN SLUÔN (vườn nào vườn nấy)…
Những từ láy ở A.2 là loại từ chỉ hoạt động và tính chất; khi láy lại, nghĩa của chúng giảm nhẹ rõ rệt. Trong đó, loại chỉ hoạt động như XẺ (kéo), XUP (ngửi)… Thì vừa có nghĩa là “hơi, một chút, một tí”, vừa có nghĩa là “thử xem” (XUP XUP – ngửi một chút, ngửi một tí HAY thử ngửi, thử ngửi xem)
Chú ý: Nói láy lại là nỏi ở ngữ điệu bình thường, nếu nói dằn giọng như HOM HOM (thơm) thành HÓM HOM thì cúng lại có nghĩa nhấn mạnh, trái với cách láy từ nói trên.
B. LÁY BỘ PHẬN: Thường thấy ở những từ thuần hai âm tiết.
Những hình thức láy thông thường là:
- Hình thức ABB, tức là hình thức láy lại âm tiết thứ hai của từ, sau khi láy lại, chúng có ý nghĩa nhấn mạnh. Thí dụ:
Hình thức gốc | Hình thức láy lại |
1. Khươc chằng (cười ầm) | Khươc chằng chằng (cười ầm ầm) |
Tăc bjôp (gãy rầm) | Tăc bjôp bjôp (gãy rầm rầm) |
Phển lừ (chạy nhào) | Phển lừ lừ (chạy nháo nhào) |
2. Đeng chit (đỏ lòm) | Đeng chit chit (đỏ lòm lòm) |
Lương dit (vàng óng) | Lương dit dit (vàng ối) |
Hình thức ABB có khi cũng chỉ sự liên tục hoặc động tác lặp lại nhiều lần như:
-
- Chêp dẹt dẹt (đau từng đợt từng đợt, đau liên tục)
- Fèn nạt nạt (rung động liên tục)
- Hình thức ABAC: Hình thức này được phát triển trên cơ sở của một từ thuần hai âm tiết AB, sau khi láy thì A được láy lại toàn bộ, C láy lại phụ âm đầu của âm tiết B và có vần cố định là “i”. Cho nên xét toàn bộ một từ, chúng cũng chỉ láy lại bộ phận. Hình thức này có tính chất nhấn mạnh ý nghĩa của từ. Thí dụ:
Lương dit (vàng óng) | Lương dit lương dí |
Đeng chit (đỏ lòm) | Đeng chit đeng chí |
Khôm căc (đắng nghét) | Khôm căc khôm kí |
2. XEN KẼ TỪ
Trong Tiếng Tày – Nùng có khá nhiều kiểu xen kẽ từ. Ở đây ta có thể kể tới hai kiểu thường thấy.
- Kiểu thứ nhất, dùng yếu tố bên ngoài đan vào những từ đơn tiết chỉ đơn vị sự vật hoặc sự việc. Như dùng yếu tố PỀN (thành, nên…) để đan theo khuôn A pền A. Về ý nghĩa chúng có tác dụng nhấn mạnh cái được nói tới là lớn và tốt. Thí dụ:
- Co pền co (cây nên cây = cây nào ra cây ấy)
- Đuông pền đuông (bông nên bông = bông nào ra bông ấy)
- Tua pền tua (con nên con = con nào ra con ấy)
- Tón pền tón (bữa nên bữa = bữa nào ra bữa ấy)
- Kiểu thứ hai: Dùng yếu tố bên ngoài xen vào giữa từ thuần đa tiết chỉ tính chất, để nhấn mạnh mức độ cao nhất của từ thuần trong Tiếng Tày – Nùng. Đó là dùng yếu tố CẢ, một yếu tố không có nghĩa xen vào giữa một từ thuần đa tiết theo không mẫu A CẢ B. Thí dụ:
Lương dit | + Cả | Lương cả dit (vàng óng) |
Đeng chit | Đeng cả chit (đỏ ối) | |
Khôm căc | Khôm cả căc (đắng lắm) | |
Cột ngoáng | Cột cả ngoáng (cong queo) | |
Rì roạt | Rì cả roạt (dài thượt) |