Ngữ pháp tiếng Tày Nùng – VIII.II Câu ghép

CHƯƠNG VIII: GHÉP NHỮNG PHẦN CÓ QUAN HỆ LIÊN HỢP

PHẦN II – CÂU GHÉP

Câu ghép là câu do một số bộ phận ghép song song với nhau tạo thành. Mỗi bộ phận có thể là một từ, một cụm từ, mà thường là một cụm từ chủ vị. Mỗi bộ phận diễn đạt một phần ý và toàn bộ chúng thì diễn đạt ý trọn vẹn của cả câu. Như vậy, về mặt ý nghĩa, các bộ phận trong câu ghép có quan hệ khăng khít với nhau. Thường thì chúng liệt kê những sự việc xảy ra liên tiếp hay xảy ra cùng một lúc.

Các câu như:

  • Lồm, phân (gió, mưa)
  • Pây tố đảy, bấu pây tố đảy (đi cũng được, không đi cũng được)

Hoặc như câu đã dẫn:

  • Choòng slâu sloỏng, tắng tố slâư sloỏng (bàn sạch sẽ, ghế cũng sạch sẽ)

Các câu đều có đầy đủ tính chất của một câu ghép. Trong phạm vi cuốn sách này, chúng ta chỉ xét loại câu ghép do một cụm từ chủ vị tạo thành.

Xét theo cách ghép các bộ phận, ta có thể chia câu ghép thành hai loại: Một loại trong đó các bộ phận kết hợp với nhau không có quan hệ từ (hoặc những từ dùng như quan hệ từ), một loại có các từ ấy.

1. CÂU GHÉP KHÔNG CÓ QUAN HỆ TỪ

Quan hệ giữa các bộ phận trong loại câu ghép này thường được biểu thị bằng quãng ngắt trong khi nói hoặc dấu phẩy trong khi viết. Ý nghĩa của các bộ phận được ngắt ra ấy có khi đồng nhất cũng có khi trái ngược nhau. Thí dụ:

  • Ngỏ hung khẩu, nỉ xẻo phjăc (tôi nấu cơm, anh xào rau)
  • Câừ mì thây thư thây, câừ mì phưa thư phưa (ai có cày đi cày, ai có bừa đi bừa)
  • Lạo phuối cằn nà, lạo lòa kha cáy (ông nói bờ ruộng, kẻ gạt chân gà = trống đánh xuôi, kèn thổi ngược)

Trong nhiều câu ghép thuộc loại này, các bộ phận còn giữ tính độc lập tương đối của nó cho nên có thể tách chúng ra thành một số câu đơn giản được. Ngay ở ví dụ thứ nhất, ta có thể tách thành hai câu như sau:

  • Ngỏ hung khẩu (tôi nấu cơm); nỉ xẻo phjăc (anh xào rau)

Riêng đối với một số câu ghép quan hệ ý nghĩa chặt chẽ quá và được dùng gần như một quán ngữ, tục ngữ thì không có khả năng ấy.

2. CÂU GHÉP CÓ QUAN HỆ TỪ

Các bộ phận trong loại câu ghép này được tổ hợp lại nhờ có các quan hệ từ. Vì vậy, quan hệ giữa các bộ phận của câu thường chặt chẽ và rõ ràng hơn so với những câu ghép không có quan hệ từ. Sau đây là các quan hệ ý nghĩa giữa các bộ phận trong câu ghép được thể hiện ở sự có mặt của quan hệ từ này hay quan hệ từ khác.

(a) Để biểu thị quan hệ đồng nhất hoặc quan hệ tương ứng giữa các bộ phận của câu, ta thường dùng các quan hệ từ và các cặp quan hệ từ: VẠ (và), TỐ (cũng), TỐ… TỐ (cũng… cũng), NẢI… NẢI, CHỆT… CHỆT (càng… càng…) … Đồng thời dùng cả các cặp đại từ tương ứng như PỀN RỪ… PỆN TỈ (thế nào… thế ấy), KỈ LAI… CẶN TỈ (bao nhiêu… bấy nhiêu). Thí dụ:

  • Bại hình ảnh chang bài thơ chăn dân tộc vạ thể thơ tố chăn chử cúa lượn Tày – Nùng (những hình ảnh trong thơ giàu tính dân tộc và thể thơ cũng là của lượn Tày – Nùng )
  • Slip pi ngỏ tố thả, hả pi ngỏ tố ngâừ (mười năm tôi cũng đợi, năm năm tôi cũng mong)
  • Mé cà, pửa đú táng, cà này táng, hây nải hêt xăc pỉ noọng nải điêp (mẹ ạ, xưa khác, bây giờ khác, mình càng làm chăm bà con càng yêu mến)

Hâư hêt pền rừ, hây hêt pện tỉ (người ta làm thế nào, mình làm thế ấy)

(b) Để nối các bộ phận có ý nghĩa trái ngược nhau hoặc nối hai sự việc không đồng nhất nhưng lại được tiến hành đồng thời hay kế tiếp nhau, ta dùng các quan hệ từ: NHẰNG (còn), TẺO (lại), LẺ (thì), LẺ… LẺ (thì … thì), TỌ (nhưng), BẤU TÁN… NHẰNG (không những… mà còn), NGÁM… LIỀN (vừa… đã)… Thí dụ:

  • Slao báo pây hăp phai nhằng cần ké pây chướng mạy (thanh niên đi đắp đập còn người già thì đi chăm sóc rừng cây)
  • Cần lẻ bec bai, lạo lẻ thư fừn kẻo lồng tin pù mà roạt roạt (người thì vác cuốc kẻ thì vác củi kéo xuống chân núi nườm nượp)
  • Cần Việt Băc nắm tán hêt nà, hâư nhằng hêt rẩy them (người dân Việt Bắc không những làm ruộng, họ còn làm rẫy nữa)

(c) Để biểu thị quan hệ lựa chọn giữa các bộ phận trong câu, ta thường dùng các quan hệ từ: RỤ (hay, hoặc), RỤ CẠ (hay là, hoặc là)… Thí dụ:

  • Mầư hêt rụ te hêt tố đảy (mày làm hay nó làm cũng được)
  • Cà này, chài pây họp rụ cạ noọng pây họp chế? (bây giờ anh đi họp hay em đi họp đấy)