Ngữ pháp tiếng Tày Nùng – X: Rút gọn câu

CHƯƠNG X: RÚT GỌN CÂU

Trong nói năng hàng ngày cũng như trong văn viết, nếu hoàn cảnh nói năng cho phép, nhiều khi ta lược bớt một số phần mà người nghe hay người đọc vẫn hiểu được. Câu bị lược ấy gọi là câu rút gọn. Câu rút gọn thường gặp hơn cả là ở trong những lời đối đáp.

Giả dụ khi nghe một người nào đó hỏi: Câừ hăp phai nẩy? (ai đắp đập này?) thì có thể trả lời:

  • Khỏi hăp phai nẩy (tôi đắp đập này)
  • Khỏi hăp (tôi đắp)
  • Khỏi (tôi)

Cùng một câu hỏi có thể có ba cách trả lời khác nhau, mà câu trả lời nào cũng làm cho người hỏi thỏa mãn được điều mình muốn hỏi. Nhưng ba câu trả lời trên có khác nhau về cấu trúc ngữ pháp. Câu thứ nhất có đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ và có cả bổ ngữ. Trong câu thứ hai đã lượt bớt phần phụ của vị ngữ. Trong câu thứ ba đã lược bớt cả vị ngữ lẫn phần phụ của nó. Câu thứ hai và câu thứ ba chính là câu rút gọn.

Chúng ta không nên lẫn câu rút gọn với câu đặc biệt, vì trong câu rút gọn, phần bị lược bao giờ cũng được hiểu ngầm và có thể dễ dàng khôi phục lại thành câu đầy đủ, câu đặc biệt thì không có khả năng ấy.

Câu rút gọn “KHỎI” ở thí dụ thứ ba có thể dễ dàng tạo thành câu đầy đủ thành phần: KHỎI HĂP PHAI NẨY. Ngược lại, ở câu đặc biệt: BÂN FẠ ƠI! (trời đất ơi!), hoàn toàn không thể thêm bớt được điều gì cả.

Tùy theo hoàn cảnh nói năng, ta có thể bỏ chủ ngữ, vị ngữ hay bỏ cả hai, cũng có trường hợp chỉ bỏ phần phụ.

I. BỎ CHỦ NGỮ

Chúng ta thường bỏ chủ ngữ của câu trong những điều kiện sau:

(a) Khi mình tự nói với mình hoặc khi mình nói chuyện với người quen thân, người ngang hàng. Thí dụ:

  • ~~ dac lai (~~ đói lắm) (chú thích: dấu ~~ thay cho vế bị lược bỏ)
  • ~~ pây tầư mà đăm pện nẩy ? (~~ đi đâu về tối thế?)

(b) Khi dùng những từ cầu mong, mời mọc, ra lệnh để yêu cầu người khác thực hiện. Thí dụ:

  • ~~ xỉnh bại pỉ noọng nẳng lồng (~~ mời tất cả bà con ngồi xuống)
  • ~~ pây lú vẩy! (~~ đi đi thôi!)

(c) Khi câu nọ nối tiếp câu kia mà một trong những câu ấy đã có chủ ngữ hoặc chủ ngữ đã được xác định một cách cụ thể, người nghe, người đọc không thể hiểu lầm được nữa. Thí dụ:

  • Mẻn nẳm đâư cò pện nẩy, tọ cụng xằng mì búng tầư tặt mjầu mac. Vằn cẳm ~~ nhằng vui slim hâử công tác chang xỏm (Mèn nghĩ trong lòng như vậy, nhưng cũng chưa nơi nào đặt trầu cau. Đêm ngày ~~ còn vui lòng làm công tác trong xóm.)
  • Lan pây tầư chế? (cháu đi đâu đấy?) / ~~ pây au fừn chầy pả ạ (~~ đi kiếm củi bác (gái) ạ)

II. BỎ VỊ NGỮ

Vị ngữ thường bị lược bỏ trong những lời đối đáp giữa hai người, nhất là khi ở phần chủ ngữ của câu hỏi có đại từ để hỏi như: CÂỪ (ai), TUA RĂNG (con gì), ĂN RĂNG (cái gì)… Thí dụ:

  • Câừ tạy bổ túc dú bản nẩy? (ai dạy bổ túc ở làng này?) / Khỏi ~~ (tôi ~~)
  • Tua răng kin nà? (con gì ăn lúa?) / Mu chảo~~ (lợn rừng~~)
  • Ăn răng lăn lống lống pện nẩy? (cái gì lăn lông lốc thế?) / Mac pục ~~ (quả bưởi~~)

Ngoài điều kiện trên, vị ngữ còn bị lược bỏ khi hai câu nối tiếp nhau mà lại biểu thị hoạt động, trạng thái… trái ngược nhau (nhất là một câu hiểu thị khẳng định, một câu biểu thị phủ định). Thí dụ:

  • Nỉ đảy váng lẻ pây nè. Ngỏ bấu ~~ a (anh có rỗi thì đi đi. Tôi không ~~ đâu)

III. BỎ CẢ CHỦ NGỮ LẪN VỊ NGỮ

Có thể bỏ cả phần nòng cốt của câu khi người hỏi chỉ cần biết hoàn cảnh, đối tượng bị hoạt động chi phối, hoặc người trả lời chỉ cần khẳng định hay phủ định một điều gì, nhất là khi trả lời những câu ở cuối có các từ để hỏi CẦƯ (ai), RĂNG (gì), XẰNG (chưa), BẤU (không)… Thí dụ:

  • Vằn tầư chài pây? (hôm nào anh đi?) / Vằn pjục ~~ (ngày mai ~~)
  • Noọng kin ngài xằng ? (em ăn cơm trưa chưa?) / ~~ xằng~~ (~~ chưa~~)
  • Lạo chảng lêch quén lục bấu ? (ông thợ rèn có quen con không?) / ~~ bấu ~~ (~~ không ~~)

IV. BỎ PHẦN PHỤ

Trên đây chúng tôi chỉ nói đến những trường hợp lược bớt phần nòng cốt của câu. Song, trong thực tế nói năng chúng ta cũng thường gặp những câu có đầy đủ chủ ngữ và vị ngữ mà chỉ lược bớt các phần phụ. Những câu bị lược bỏ như vậy cũng là câu rút gọn. Phần phụ bị lược đi trong những câu nối tiếp nhau.

Thí dụ:

  • Hăn pậu dự pja hây tố dự ~~ (thấy người ta mua cá mình cũng mua~~)