Nèn chiêng là một bản đại trường ca

Tết Tày là một bản đại trường ca xanh rờn đã đi cùng năm tháng. Tết Tày sống mãi với thời gian và người dân bản xứ nơi này. Tết người Tày đã có từ thời hòn đá biết đứng, hòn đất biết ngồi. Bản trường ca tết Tày có nhiều chương đoạn. Mỗi chương đoạn đều gắn số phận một con người cụ thể đằm mình trong tết.

Tết của người Tày hầu như không mấy khác lạ so với tết của nhiều dân tộc anh em. Nghĩa là chỉ xảy ra trong cùng một thời điểm nhất định. Ba mươi tháng Chạp là đêm giao thừa. Cuộc bàn giao trang nghiêm giữa ông trời và bà đất. Đó là lời chào năm cũ. Năm cũ như bà già lặng lẽ đội nón ra đi. Và năm mới như chàng trai rò rè giương ô đang tới. Mùng một tháng Giêng là ngày đầu năm mới. Người Kinh gọi nguyên đán. Người Tày gọi nèn chiêng. Tết Tày cũng bày biện các lễ vật hương hoa đèn nến, cũng mâm ngũ quả, cũng các loại bánh mặn ngọt, rượu trà … thờ cúng gia tiên

Kể từ đêm ba mươi, mọi người đều tắm gội thơm tho sạch sẽ, ăn mặc tươm tất, trang trọng lịch sự, đón chào năm mới. Vẻ mặt ai ai cũng tươi cười, tay bắt mặt mừng, chúc tụng cầu mong cho nhau khỏe mạnh “slổng làu chau ké” (sống lâu muôn tuổi). Bất kể trẻ già, trai gái cũng tự giác kiêng kỵ và tránh làm những điều xấu xa. Nếu ai làm điều xằng bậy, thì cả năm sẽ gặp những điều xúi quẩy, không may mắn. Ngay từ những ngày đầu đời, những đứa trẻ người Tày đã được ông bà cha mẹ dạy bảo phải sống sao cho đẹp, sau này trở thành người tử tế. Người xưa đã nói rằng đầu xuôi thì đuôi lọt. Sống đẹp ngay từ đầu năm, hẳn cả ba trăm sáu nhăm ngày sẽ tràn đầy hạnh phúc.

nèn chiêng

Nói về cái ăn. Người Tày gọi là kin nèn. Giống như người Kinh nói ăn tết. Trong tiếng Tày: Kin là ăn. Nèn là tết. Con người nói chung, bất kể dân tộc nào trên mặt đất này hình như đều coi trọng sự ăn. Người Tày cũng vậy. Nhưng xem ra cái sự kin của họ còn cụ thể, thiết thực và sinh động hơn nhiều so với các dân tộc khác. Người Tày chào nhau bằng sự ăn. Mỗi khi gặp mặt. Người Tày chào nhau bằng “lan kin lèng xằng” (cháu ăn sáng chưa). “Bác Kin ngài xằng” (bác ăn trưa chưa). “Dả Kin pjầu xằng ( ăn tối chưa)… Từ xa xưa, người Tày ấn định những câu như thế là lời chào hỏi những người gặp mặt, dù thân hay sơ. Chào hỏi bạn ăn gì chưa, tỏ ra mình là người lịch sự. Chào ăn gì chưa, nghĩa là mình đã hướng quả tim đến cái dạ dày của người khác. Nghĩa là tôi đang quan tâm đến sức khỏe, đến sự sống còn của người khác. Cái lý muôn đời của người Tày ăn vào để sống, chứ không phải sống để ăn. Ăn vào để có sức lao động sáng tạo. Sống để chia sẻ với mọi người. Sống để ôm ấp yêu thương nhau chứ không phải lườm nguýt đố kỵ. Chữ sống cao hơn chữ ăn. Sống là để hiến dâng tài năng và sức lực của mình cho đồng loại. Kiểu chào đó đã trở thành một thái độ ứng xử rất riêng biệt của người Tày. Có thể nói đây là một nét văn hóa chào rất độc đáo có một không hai trên đời này.

Năm nào cũng vậy, để chuẩn bị cho tết nguyên đán, hầu như mỗi gia đình người Tày nào cũng đều tự mình chăn nuôi một chú lợn tết. ít khi phải ra chợ mua lợn. Thường là một con mu ót lợn ỷ. Hay mu sláy lợn bột. Hai giống lợn này tuy nhỏ con nhưng giòn chắc và ngọt thịt. Bởi nó chuyên sản sinh nhiều nạc mà lại ít mỡ. Trung bình mỗi con chỉ vài chục cân, chưa đến tạ. Thịt với xương vừa đủ chế biến thức ăn mặn cho cả nhà. Tôi dùng chữ nhà ở đây là chỉ ba bốn thế hệ, ông bà, cha mẹ, con cháu… tứ đại đồng đường. Và một phần thịt dùng để tiếp khách. Số còn lại, thái miếng to, dày, dài hết cỡ, đem ướp muối kèm gia vị, treo lên gác bếp, ăn dần. Người Tày gọi nựa lảp. Thịt hun khói ắt phải có mùi củi lửa. Khi người ta đốt củi lên, khói hun lâu ngày tạo thành muội than bao quanh nó như ruồi. Và nhờ vào những lớp màng ruồi này, thịt để lâu mà không bị ôi thiu, các loại vi khuẩn chẳng thể nào xâm nhập vào thịt được. Củi lửa là một phần quan trọng trong đời sống người Tày. Và người Tày gọi lửa bằng pỏ bố. Bố lửa chỉ đứng sau mẻ nặm (mẹ nước) và mẻ khẩu (mẹ gạo). Thịt hun khói lủng lẳng như mướp, như bầu bí dưới gác bếp. Tuy treo thịt cả ngày lẫn đêm mà không có một con mèo, con chó, con chuột nào dám chồm lên kéo thịt xuống ăn vụng. Bởi thịt hun khói hấp thụ đắng cay chua chát từ trong không khí. Nó tạo ra một thứ mùi vị cực kỳ khó chịu. Nhưng khi ta rửa sạch bằng nước gạo, chế biến xong, nó lại trở thành một món ăn thơm ngon đến mức như thần kỳ. Cũng có nơi người ta ướp thịt trong hém mẻ chua. Ướp kiểu này không những để được lâu, mà còn giữ được màu sắc thịt hồng hào tươi ngon, lúc nào cũng như mới. Thậm chí họ còn ướp nguyên cả một cái thủ, vài cái chân dò. Khi vớt lên, hình như chúng vẫn còn ngáp và đạp ngoạp ngoạp.

Ở quê tôi, đặc biệt có món phúng xàng lạp xường ngon nổi tiếng xưa nay. Cách làm như sau, chọn lấy một đoạn lòng non, ngắn dài tùy sở thích và yêu cầu của gia đình. Sau khi làm lòng sạch, người ta thái nhỏ, băm nhuyễn các loại thịt bạc nhạc, ba chỉ, thịt mỡ, thịt nạc…rồi đem tẩm ướp gia vị.  Làm xong, họ lập tức nhồi thịt vào trong một đoạn lòng, rồi treo lên phơi sương phơi gió. Phơi sao cho thịt hiu hiu mát mẻ từ ngày qua đêm. Có thể nói Phúng xàng là món ăn tinh hoa. Nó tụ khí từ thiên nhiên và cơ thể sống con người. Bởi thế món phúng xàng ngon nức tiếng là có căn cứ. Khi ta đem phơi, âm dương giao hòa cùng với tâm hồn người. Món ăn này không những tạo ra nguồn bổ dưỡng trực tiếp mà còn làm lạ miệng với từng người cụ thể. Cắn một miếng phúng xàng nghĩa là bạn đang nuốt hồn thiêng sông núi vào bụng. Hãy lắng nghe trong cơ thể của bạn, có tiếng suối êm đềm chảy, có tiếng gió véo von reo ca, có tiếng vượn hú gọi bạn tình. Phúng xàng có thể để lâu tới ba, bốn tháng hoặc nửa năm nó vẫn chưa hỏng. Khi dùng, người ta đem phúng xàng cắt khúc thành những đoạn ngắn, đưa lên miệng nồi cơm hấp chín. Đây là cách làm truyền thống cực kỳ đơn giản, nhưng hiệu quả khá cao, vì nó vẫn giữ được mùi vị thơm đặc trưng và nước cốt dùng. Cũng có thể xắt mỏng ra thành nhiều lát, xào với dưa chua, khế xanh, tỏi ta, hay măng ớt, hoặc túm lá mác mật.

Còn một điều từ lâu tôi đã thắc mắc mà chưa nói với ai. Tại sao trong mâm cơm vào ngày mùng một tết, không hề có một cọng rau xanh. Người ta thường nói cơm rau chứ mấy ai nói cơm thịt.  Một bữa cơm không có rau xanh. Đó là điều có thật. Đến bây giờ vẫn thế. Cho dù rau trồng đầy tràn trong vườn nhà, mùa nào thức ấy, quanh năm chả thiếu giống nào. Nhưng không. Không một ai ăn rau trong ngày mùng một. Nhìn thấy rau, sao người ta lại sợ. Hồi còn chú tôi, ông giải thích, trong bữa ăn ngày đầu năm mới, nếu nhà mày ăn rau, thì cả năm ruộng vườn sẽ rậm rạp toàn loài cỏ hoang dại. Cỏ mọc tốt tươi sẽ chèn ép lúa má cây ngô cây đậu. Cái màu xanh xập xí xập ngàu nhập nhằng giữa lúa và cỏ dại, cứ đằng thẳng hiện ra trên người mình. Nó sẽ ám ảnh mãi trong đầu. Hình ảnh cái xấu xa sẽ lấn lướt cái tốt đẹp cháu ạ. Trên mâm cơm ngày tết bày ra toàn thịt là thịt. Nào thịt luộc. Thịt xào. Thịt om than nghiến. Thịt nấu đông. Thịt hầm xương ống. Thịt úp bát nằm khau. Đến cả canh xin thang thịt ba chỉ, cũng không được gia giảm thêm dù mấy lát gừng thái chỉ.

Tôi nói đến đâu rồi nhỉ. à bây giờ đến bánh sấm. Người Tày gọi bánh lăng goòng. Thực ra đó là bánh chưng được gói theo hình lưng gù. Gần giống bánh tét trong Nam bộ. Nhưng bánh to gấp năm, mười lần bánh thường. Nói một cách hoành tráng hoa mỹ, đó là bánh nửa vầng trăng. Ngày xưa bà nội tôi bảo bánh này dùng để cúng thần sấm.Vị thần ấy bao đời nay đem lại sự may mắn, bằng những trận mưa rào. Mưa thuận gió hòa là mơ ước bao đời của người làm ruộng. Thần sấm thần mưa cho đổ nước xuống đồng, dân có cơ hội cày bừa cấy hái. Vạn vật trên mặt đất này đều lấy nước làm khởi đầu. Thủy vi tài sơn vi quý. Nước là đơn vị nhất bảng. Không có nước tất cả sẽ chết khô chết héo và lụi tàn. Vạn vật và người sẽ chấm dứt sự sống. Vì thế, bà con ta phải thức đợi cả mùa xuân, đến hôm nào ông giời dở mình, bỗng có tiếng sấm chớp vang rền bốn cõi, các mẹ các bà mới đem bánh ra luộc lại. Luộc xong, bánh hãy còn nghi ngút khói, mới đem bày cúng thần sấm ở trên sàn phơi thóc. Thánh thần chỉ ăn hương ăn hoa. Cúng xong ba ngày, các con cháu trong nhà mới được bóc bánh ra ăn.

Nhớ lại hồi xưa, có hai thứ mà tôi sợ nhất. Đó là sấm sét và bà Dả Dzỉn. Vậy bà Dả Dzỉn là ai? Đến tận cuối đời, nhưng không một người nào biết tường tận hình dáng thân thể bà như thế nào. Song, cứ nhắc đến tên bà Dả Dzỉn, đứa trẻ người Tày nào cũng sợ. Nghe người già kể lại. Bà Dả Dzỉn là người không có tuổi, sống một mình như con dao cùn. Bà thường mặc toàn đồ nhàu nát rách rưới, lôi thôi và người bà cực kỳ hôi hám. Tóc bà buông xuống như rễ cây si già. Mắt trắng dã lồi to như quả trứng ngỗng. Miệng bà đen ngòm và chỉ còn mỗi chiếc răng nanh dài và nhọn. Trên người bà mọc đầy lờm xờm lông lá. Bà thường ngồi vắt vẻo trên cành cây sung um tùm. Nhưng hễ có tiếng trẻ con nào khóc hay hờn dỗi, là bà Dả Dzỉn lẻn xuống cắp nách mang về trời. Bà Dả Dzỉn chả bao giờ ăn uống ngủ nghỉ, nhưng vẫn sống khỏe re. Cả đời bà làm mỗi một công việc, trông coi canh chừng cho trẻ con, đừng cho ma quỷ đến chọc sàn quấy phá, ăn cắp giấc ngủ của trẻ. Công lao của bà Dả Dzỉn to chứ chẳng thường chút nào. Để trả công ơn cho bà, cứ vào dịp nèn chiêng, nhà nào cũng phải sắm một cặp mía tím làm gậy để cho bà lên mường trời. Cặp mía tím ấy phải đủ cả gốc rễ lẫn ngọn. Chủ nhà trang trọng đặt nó bên cạnh nơi bàn thờ tổ tiên.

Đúng đêm giao thừa, đợi cho mọi người ngủ say, bà mới mang mía ra ngồi lên nó. Và cặp mía từ từ nhấc bổng bà lên. Bà bay lọt qua cửa trăng. Bà thoát ra ngoài trời. Người bà mất hút vào màn đêm ba mươi đen kịt như mực. Nhưng đến chặp gà gáy lần cuối của buổi bình minh sáng mùng một, đôi mía tím lại nhẹ nhàng loe lóe đưa bà Dả Dzỉn trở về.


Đây là một bài viết rất hay của tác giả Pu Sa Kiu Kin đã được đăng trên báo Cao Bằng. Chúng tôi trân trọng đăng tải lại, điều chỉnh nhỏ về tiêu đề và có bổ sung thêm vài hình ảnh mô tả.