CHƯƠNG II: NGỮ ÂM
II.I BỘ MÁY PHÁT ÂM
Bộ máy phát âm gồm có phổi, khoang họng, khoang miệng và khoang mũi
1. PHỔI
Phổi nằm trong lồng ngực, giống như cái bầu đựng không khí. Nó điều chỉnh lượng hơi ra vào để qua ba khoang nói trên mà tạo thành những âm thanh khác nhau. Ba khoang này phối hợp với nhau rất nhịp nhgang, trong đó khoang mũi tương đối ít dùng, còn khoang họng, khoang miệng lúc nào cũng dùng tới. Không khí từ phổi đi ra nhất thiết phải qua khoang họng rồi mới qua khoang miệng hoặc mũi để phát ra thành âm thanh
2. KHOANG HỌNG
Khoang họng gồm một hệ thống cơ sụn tạo thành một cái hộp. Bên trong có hai cơ căng ngang gọi là dây thanh, hai dây thanh có thể khép lại hoặc tách ra, tức là có thể căng hay chùng. Nhờ đấy, nó khống chế được lượng không khí ra vào nhiều hay ít trong khi tạo âm; Khi nín thở hai dây thanh khép lại, không khí bị tắc và ngừng lưu thông.
3. KHOANG MIỆNG
Khoang miệng quan trọng vô cùng, nó góp phần vào việc tạo thành phần lớn các âm của người ta phát ra. Trong đó, lưỡi là bộ phận hoạt động nhiều nhất, phức tạp nhất. Ngoài ra, những bộ phận tham gia vào việc tạo âm trong khoang miệng còn có hai môi (môi trên và môi dưới), lợi, hàm ếch cứng, hàm ếch mềm và lưỡi con.
4. KHOANG MŨI
Khoang mũi nằm trên khoang họng, nó có một khoảng trống để luồng hơi lưu thông, có lỗ thông với khoang miệng.
Bộ máy phát âm của người có thể vẽ phác như sau:
Chú thích:
- Môi
- Răng
- Hàm ếch cứng
- Hàm ếch mềm
- Lưỡi con
- Đầu lưỡi
- Mặt lưỡi
- Gốc lưỡi
- Cuống lưỡi
- Nắp họng
- Khí quản (khoang họng)
- Dây thanh (khoang họng)
- Thực quản
Bộ máy phát âm của người ta rất tinh vi, nên có thể phát ra vô số âm thanh khác nhau. Một số người quen nói một thứ tiếng nào đó, khi học nói một thứ tiếng khác, thường phát âm không đúng một số âm; đó chẳng qua là chưa làm quen với các âm mới gặp mà thôi.
Để tiện việc so sánh và miêu tả hệ thống âm vị, trong chương này và một số chương sau, chúng tôi dùng các kí hiệu:
-
Dấu chéo / / để ghi âm vị
-
Ngoặc vuông [ ] để ghi âm tố hoặc tổ hợp âm
-
Chữ không có dấu kí hiệu là chữ viết
Cho nên, người Tày – Nùng ở những vùng không quen phát những âm /t/ (chữ viết là sl), /p’/ (chữ viết là ph) trong những từ SLON (học), PHA (tấm phên)…. Đều có thể phát âm đúng được.
Dựa vào vị trí và cách phát âm của từng âm cụ thể, người ta đặt tên cho những âm được phát ra. Thí dụ:
- [m], [n], [ŋ] là âm mũi
- [t], [b], [c] là âm miệng…
Cũng dựa vào cách phát âm, còn có thể phân chia thành các loại âm bật hơi hay không bật hơi, âm tròn môi hay không tròn môi. Thí dụ:
- [t] là âm không bật hơi, như trong chữ TÁ (ông ngoại)
- [t’] là âm bật hơi, như trong chữ THA (mắt)
- [a] là âm không tròn môi, như trong chữ CA (con quạ)
- [ɔ] là âm tròn môi, như trong chữ TÓ (con ong bầu)
Mỗi thứ tiếng chỉ có một số đơn vị ngữ âm nhất định, những đơn vị ấy có tác dụng phân biệt yếu tố có nghĩa này với yếu tố có nghĩa khác. Ta gọi mỗi đơn vị đó là một âm vị.