CHƯƠNG I: MỞ ĐẦU
I.II MỘT SỐ KHÁI NIỆM CƠ BẢN VỀ NGÔN NGỮ HỌC
1. NGÔN NGỮ, TIẾNG VÀ LỜI
A. NGÔN NGỮ
Ngôn ngữ – Tức tiếng nói – Là công cụ thông báo quan trọng nhất của loài người.
Nhờ ngôn ngữ, người ta có thể suy nghĩ, có thể diễn đạt tư tưởng của mình và hiểu được tư tưởng của người khác. Các bộ phận tạo thành ngôn ngữ là: Ngữ âm, Từ vựng, Ngữ pháp.
Ngữ âm là vỏ vật chất của ngôn ngữ. Ngôn ngữ nào cũng phải thể hiện ra bằng âm thanh. Nhưng không phải âm thanh nào cũng là ngữ âm và ngay cả những âm thanh được phát ra từ miệng người ta cũng không nhất định là ngữ âm; Chỉ khi nào những âm thanh được dùng làm vỏ vật chất của những đơn vị có nghĩa mới là ngữ âm.
Từ vựng là tổng số các từ, các thành ngữu, tục ngữ của một ngôn ngữ. Thí dụ: BOONG RẦU ( chúng ta), RƯỜN (nhà), KHAO XOAC (trắng phau), NÒN (ngủ)…. là những từ; BEC KHA CẢI (xu nịnh) là thành ngữ; XẺ NẢ PHUNG LĂNG (giật gấu vá vai) là tục ngữ.
Ngữ pháp là tổng hợp các qui tắc sắp xếp từ thành câu. Thí dụ ba câu:
- Vài kin nhả (trâu ăn cỏ)
- Vài nòn đông (trâu ngủ rừng
- Mu kin muôc (lợn ăn cám)
Chùng theo một qui tắc; Còn 3 câu:
- Te cần bản khỏi (Nó người làng tôi)
- Phân slam vằn dá (mưa ba ngày rồi)
- Vằn mẩy xo hả (Hôm nay mồng 5)
Lại theo những qui tắc khác.
B. TIẾNG, LỜI
Tiếng – Mỗi ngôn ngữ cụ thể gọi là một thứ tiếng ( Tày – Nùng là TIỂNG), thí dụ: Tiếng Tày – Nùng, Tiếng Kinh, Tiếng Hán. Mỗi thứ tiếng có một hệ thống ngữ âm (đúng ra phải gọi là hệ thống âm vị), một hệ thống từ vựng, một hệ thống ngữ pháp.
Lời (hay lời nói) – Lời (Tày – Nùng là CẰM) hay lời nói (Tày – Nùng là CẰM PHUỐI) là kết quả của việc vận dụng các phương tiện (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) của một thứ tiếng để bày tỏ tư tưởng, tình cảm của người nói.
2. CÂU, TỪ VÀ CỤM TỪ
A. CÂU
Lời nói có thể dài hay ngắn, một đơn vị cơ bản của lời nói có thể thông báo một ý gọi là câu. Sau một câu (nói hoặc viết) bao giờ cũng có một quãng ngắt và mỗi câu mang một giọng điệu nào đó. Quãng ngắt ấy trong lời nói là chỗ dừng hơi dài; trên chữ viết, quãng ngắt đó được thay bằng dấu chấm (.), dấu hỏi (?), hay dấu than (!)…
Thí dụ:
- Tua vài tỉ cúa cần hâư ? ~~ Con trâu ấy của ai?
- Tua vài tỉ cúa hợp tac xạ Nà Mặn ~~ Con trâu ấy cảu hợp tác xã Nà Mặn.
- Chài kin khẩu mí? ~~ Anh có ăn cơm không?
- Kin ~~ Ăn (có)
B. TỪ
Từ là đơn vị của ngôn ngữ, có thể vận dụng độc lập được. Câu do từ tạo thành. Thí dụ: CẦN (người), BÂN (trời), ĐAO ĐÍ (sao, ông sao), KIN (ăn), ĐENG (đỏ), CHÍNH CẠ (nếu như)…. Đều là những từ.
C. CỤM TỪ
Hai hay trên hai từ kết hợp với nhau theo những quan hệ ngữ pháp nhất định gọi là cụm từ. Thí dụ: CẲM BƯƠN HẢ (đêm tháng 5), BƯỞNG XẢNG (bên cạnh), NỰA MU (thịt lợn), PÊT ÓN (vịt non), TỈNH CAO BẰNG (tỉnh Cao Bằng)….
Những loại kết hợp như PAC VAN SLẨY SLỔM (miệng thơn thớt, dạ ớt ngâm), XẺ NẢ PHUNG LĂNG (giật gấu vá vai)… Cũng đều là cụm từ.
Dựa vào những quan hệ giữa từ với từ trong cụm từ, ta có thể chia cụm từ làm ba loại:
- Cụm từ chủ vị
- Cụm từ chính phụ
- Cụm từ liên hợp
Cụm từ trong đó có một từ làm đối tượng còn một từ thì tường thuật về đối tượng là từ cụm chủ vị. Thí dụ: TE KIN (nó ăn), VÀI NÒN (trâu nằm); TE, VÀI là đối tượng thông báo; KIN, NÒN thông báo về đối tượng TE, VÀI.
Cụm từ trong đó có một từ độc lập, một từ phụ thuộc vào từ độc lập là cụm từ chính phụ. Thí dụ: RƯỜN (CÚA) KHỎI – (nhà (của) tôi), CẦN KHA BẢN (người nhà quê), thì RƯỜN, CẦN đóng vai trò chính, đứng độc lập được, còn KHỎI, KHA BẢN thì đóng vai trò phụ dùng để nói rõ cho RƯỜN, CẦN.
Cụm từ trong đó các từ đều ở địa vị ngang hàng nhau gọi là cụm từ liên hợp. Thí dụ: CỪN (CĂP) VẰN – (ngày (và) đêm), DỈ PHUỐI DỈ KHUA (vừa nói vừa cười)…. Ở đây CỪN ngang hàng với VẰN, PHUỐI ngang hàng với KHUA
Nếu xuất phát từ khía cạnh các cụm từ kết hợp chặt chẽ hay lỏng lẻo để xét cụm từ thì ta lại có thể chia cụm từ làm hai loại là cụm từ cố định và cụm từ tự do.
- Những cụm từ có sẵn trước khi nói, không thể thay thế những từ trong cụm bằng một từ khác, như loại XẺ NẢ PHUNG LĂNG (giật gấu vá vai) là cụm từ cố định.
- Những cụm từ khi nói mới tạo ra, các yếu tố trong cụm có thể thay đổi một cách dễ dàng, như PÙ CẢI (núi to), có thể đổi thành CẦN CẢI (người lớn), HIN CẢI (đá to)…; hoặc TỈNH CAO BẰNG có thể đổi thành TỈNH LẠNG SƠN, TỈNH VĨNH PHÚ (Vĩnh Phúc, Phú Thọ)… là những cụm từ tự do.