Ngữ pháp tiếng Tày Nùng – Các loại từ: V.VII Quan hệ từ

CHƯƠNG V: CÁC LOẠI TỪ

V.VII QUAN HỆ TỪ

Quan hệ từ là loại từ biểu thị quan hệ ngữ pháp ngữa các đơn vị cấu tạo thành lời nói. Các đơn vị ấy có thể là từ, cụm từ hoặc câu.

Căn cứ vào vai trò của nó trong lời nói, ta chia quan hệ thành hai loại: quan hệ từ phụ thuộc và quan hệ từ liên hợp.

1. QUAN HỆ TỪ PHỤ THUỘC

Quan hệ từ phụ thuộc thường nêu lên mối quan hệ giữa phần phụ với phần trung tâm của cụm từ hoặc phần phụ với cả câu. Trong Tiếng Tày – Nùng, quan hệ từ phụ thuộc không nhiều, sau đây là một số quan hệ từ thường dùng:

Cúa (của), dú (ở), tẳm (tận, từ), tứ (từ), tứ… thâng (từ… đến), đuổi, xáu (mới), nhoòng (vì, bởi), sle (để), sle hẩư (để cho), mừa (về)…

CÚA biểu thị quan hệ sở thuộc

  • Sluôn phjăc cúa te (vườn rau của nó)

DÚ (nguồn gốc là động từ trạng thái) được dùng để chỉ địa điểm xảy ra hoạt động

  • Rườn tẳng DÚ tin pù (nhà dựng ở chân đồi)

TẲM, TỨ… THÂNG biểu thị mối quan hệ về thời gian và không gian.

  • Te pây TẲM ngòa (nó đi từ trước)
  • TỨ nẩy THÂNG tỉ, tàng khỏ pây lai (từ đây đến đó, đường khó đi lắm)

XÁU, ĐUỔI biểu thị sự vật cùng hoạt động.

  • Chài SLON đuổi te (anh học với nó)

NHOÒNG chỉ nguyên nhân của sự hoạt động

  • Nà đây nhoòng khún (lúa tốt vì phân)

SLE, SLE HẨƯ (vốn dĩ vẫn là động từ) dùng để biểu thị mục đích hoạt động.

  • Đêch dá moòng lai, SLE cần ké chải (trẻ con đừng ồn quá, để người già nghỉ)

MỪA dùng để chi phương tiện hoạt động

  • Te slổng MỪA nà rẩy (nó sống vì ruộng rẫy)

2. QUAN HỆ TỪ LIÊN HỢP

Những quan hệ từ này thường dùng để nối những thành phần có quan hệ ngang hàng với nhau. Đấy là một số từ như: Vạ (và), rụ (hay, hoặc), rụ cạ (hay là), nhằng (còn), tọ (nhưng), mái cạ … tọ (tuy rằng… nhưng), lẻ (thì), vảng… lẻ (nếu … thì), nắm tán … nhằng (không những … còn), nhoòng …. chắng (vì … mới), tày…. tày, chệt… chệt (càng… càng), dỉ… dỉ (vừa… vừa)…

VẠ dùng để nối hai từ hoặc hai cụm từ có cùng một chức năng ngữ pháp.

  • Noọng VẠ chài xày căn slon (em và anh cùng nhau học)

RỤ, RỤ CẠ dùng để biểu thị sự lựa chọn.

  • Nỉ pây RỤ ngỏ pây? (anh đi hay tôi đi?)

NHẰNG dùng để biểu thị sự tăng thêm hay so sánh tương phản.

  • Slon bài dá NHẰNG hêt tỉnh them (học bài rồi còn làm toán nữa)

TỌ biểu thị sự trái ngược của hoạt động trạng thái.

  • Slon nọi TỌ chăc lai (học ít nhưng biết nhiều)

LẺ dùng để nối hai sự hoạt động đồng thời.

  • Cần LẺ khai, cần LẺ dự (người thì bán, người thì mua)

MÁI CẠ … TỌ biểu thị sự nhượng bộ.

  • MÁI CẠ nọi cần tọ xéng hêt hẩư thuổn (tuy rằng ít người nhưng cố làm cho xong).

VẢNG… LẺ, VẢNG CẠ… LẺ biểu thị điều kiện – kết quả.

  • VẢNG đet LẺ au khẩu ooc thac (nếu nắng thì lấy thóc ra phơi)

NHOÒNG … CHẮNG biểu thị nguyên nhân kết quả.

  • NHOÒNG phân, tàng CHẮNG mjạc (vì mưa đường mới trơn)

NẮM TÁN…. NHẰNG biểu thị sự không đồng nhất nhưng lại được tiến hành cùng một lúc.

  • NẮM TÁN ngủ đai, NHẰNG lai cần them (không những mình tôi, còn nhiều người nữa)

TÀY… TÀY biểu thị sự tương ứng.

  • TÀY hối TÀY phân cải (mưa càng ngày càng to)

DỈ… DỈ biểu thị hoạt động đồng thời ở ngay trong một người hoặc một tập thể.

  • TE dỉ pây dỉ phuối (nó vừa đi vừa nói)