CHƯƠNG VII: MỞ RỘNG CÂU
VII.II THÀNH PHẦN BIỆT LẬP CỦA CÂU
Ngoài trạng ngữ, còn có thành phần xen vào trong câu cốt để giải thích một từ, một cụm từ nào đó, hoặc để biểu thị thái độ, tình cảm của người nói hay người viết đối với sự việc nêu ra ở trong câu. Đấy là thành phần biệt lập của câu. Thành phần biệt lập bao gồm nhiều loại khác nhau, dưới đây sẽ lần lượt nói đến từng loại một
1. ĐỒNG NGỮ
Sau một danh từ, đại từ xưng hô, người ta có thể đặt một từ hay một số từ để nói rõ thêm sự vật mà các từ đó biểu thị là ai, là cái gì… Phần đặt sau ấy là ĐỒNG NGỮ.
Thực ra, đồng ngữ chỉ là một loại biến dạng của định ngữ. Đồng ngữ giống định ngữ ở chỗ nó cũng xác định cho danh từ, đại từ đứng trước nó. Song nó lại khác định ngữ ở hai điểm cơ bản. Một là, đồng ngữ không phụ thuộc vào từ mà nó xác định, cho nên về mặt ngữ pháp thì nó tồn tại một cách độc lập, ngang hàng với từ đứng ở đằng trước. Hai là, sự vật do đồng ngữ biểu thị, đồng nhất với sự vật mà từ đứng trước nó biểu thị. Thí dụ:
- Mỉnh noọng Cam khảu mỉnh tào va vạ lục mền, hò Cam, khảu va slí quí (Số của em Cam là số đào hoa, và con của nó, thằng cam, là số hoa bốn mùa)
Lục mền (con nó) và hò Cam (thằng cam) ở câu trên chỉ một sự vật đồng nhất. Hò Cam là đồng ngữ. Các phần in nghiêng trong những câu dưới đây cũng là đồng ngữ.
- Nẩy lẻ noọng Bình, bạn mấư cúa boong noọng. (đây là em Bình, bạn mới của các em)
- Chài Toọng au á Liên, lục bạc Quế nẻ (anh Trọng lấy chị Liên, con bác Quế đấy)
- Cao Bằng, đin cách mạng, chay đảy lai lảo bâư (Cao Bằng, quê hương cách mạng, trồng được nhiều thuốc lá)
2. LỜI CẢM THÁN
Lời cảm thán cũng là thành phần biệt lập của câu dùng để bày tỏ thái độ, tình cảm của người nói, hoặc dùng để gọi đáp.
Để bày tỏ thái độ, tình cảm của mình, người nói thường dùng những thán từ Ả RỔI (ái dà, gớm), Ò (à), ỔI DÒ (chà chà, úi chà)… Thí dụ:
- Ả rổi bat nẩy lẻ fạ tắm đin slung a nỏ! (ái dà, thế này thì trời thấp đất cao đấy nhỉ! )
- Ò, xit them tố nhằng lừm ! (à, tí nữa thì quên mất! )
- Ối dò, hap nẩy năc khển vớ! (chà chà, gánh này nặng lắm! )
Để gọi, Tiếng Tày – Nùng thường thường ghép những từ chỉ tên, những danh từ xưng hô, đại từ xưng hô với trợ từ ỚI (ơi), Ạ (ạ), NỎ (nhỉ); hoặc dùng những thán từ như VẨY (này, ô hay), NÈ NÈ (này này)…
Lời gọi thường đặt ở đầu câu những thỉnh thoảng có trường hợp đặt ở cuối câu. Thí dụ:
- Noọng nỏ, sluôn hây slí mùa đây pjòi (em nhỉ, vườn ta bốn mùa tươi tốt)
- Chài ới, pây liểu a nỏ? (anh ơi, đi chơi nhỉ?)
- Vẩy, thả căn đuổi nẻ! (này, đợi nhau với chứ! )
Lời gọi có trợ từ ỚI, Ạ, NỎ thường biểu thị sự âu yếm, kính trọng. Lời gọi có thán từ VẨY, NÈ NÈ thường biểu thị sự thân mật, đôi khi suồng sã, cho nên chúng chỉ được dùng ở bậc ngang hàng hoặc người nhiều tuổi nói với người ít tuổi.
Để đáp lời, chúng ta hay dùng những trợ từ chỉ sự đồng ý như: ẦƯ (vâng), CHỬ (phải); hoặc dùng những tổ hợp do động từ, tính từ kết hợp với trợ từ DÁ (rồi), NỎ (nhỉ)… tạo thành. Lời đáp bao giờ cũng đứng ở đầu câu. Thí dụ:
- Ầư , vằn tầư pây tố đảy (vâng, ngày nào đi cũng được)
- Ừ nỏ, hêt pện tẻo bấu khảu cỏ nao lố (ừ nhỉ, làm thế lại không xong)
- Chứ dá, xam răng mại (phải rồi, hỏi gì mãi)
Hiện nay người Tày – Nùng rất hay dùng từ THƯA, KÍNH THƯA của tiếng Việt. Từ THƯA kết hợp với các từ xưng hô để gọi khi muốn tỏ sự nghiêm trang, kính cẩn. Nó được dùng nhiều hơn cả là trong những lời thưa của học sinh đối với thầy giáo, hoặc trong những lời nói đầu khi phát biểu ở cuộc họp.
- Thưa thày…
- Thưa bại pỉ noọng … (thưa bà con)
Còn từ CHIỀNG (thưa), CHIỀNG MỪA (kính thưa) của Tiếng Tày – Nùng chỉ hay gặp ở những tác phẩm văn học cổ hay những bài dân ca. Hiện nay có một số người lại dùng hai từ tuần Tày – Nùng này song song với từ THƯA, KÍNH THƯA của tiếng Việt. Trong khẩu ngữ, từ trước đến nay, ở một số địa phương, vẫn dùng trong những câu nói hết sức trang trọng, trong những hoàn cảnh nói năng rất hạn chế.
3. LỜI CHÊM
Lời chêm có tác dụng nói lên quan hệ của người nói đối với sự việc nêu ra trong câu; hoặc lời tác giả muốn ghi một chi tiết nào đó có quan hệ đến một phần của câu hay cả câu. Vị trí của lời chêm không cố định, tùy theo công dụng và sự cần thiết ở trong câu mà nó có thể đứng ở đầu câu, ở cuối câu hay giữa câu. Thí dụ:
- Việc nẩy, rèo lục hăn, lẻ tại mẻ them ( việc này, như con thấy, thì do cả mẹ nữa)
- Pi Canh Ngọ (1930), thực dân fộng fải (năm Canh Ngọ (1930), thực dân chạy tán loạn)
- Đếnh ngòi nè – Niệm chạp bặng nả méng – Lao răng mòn cảo tỉ – Lưu vận bấu cẩn bấu diếu (nhìn xem này – Vẻ mặt Niệm đầy sợ hãi – Sợ gì cái đó – Lưu vẫn không vội không vàng)
4. LỜI CHUYỂN TIẾP
Lời chuyển tiếp luôn luôn đặt ở đầu câu. Chúng có tác dụng biểu thị sự chuyển tiếp giữa các đoạn văn dài. Trong Tiếng Tày – Nùng lời chuyển tiếp thường do những từ hay những cụm từ sau đây đảm nhiệm: PỆN TỈ (như thế), PỆN NẨY (như vậy, như thế), NHOÒNG PỆN NẨY (do đó), CHĂN CÀ LẠI (thực vậy), PHUỐI XỎN MÀ (nói tóm lại), NƯA ĐẠ PHUỐI (trên đã nói)…
- Pện nẩy, phỏng pỉnh cáo quán quá chỏi pỉnh (như vậy, phòng bệnh quan trọng hơn chữa bệnh.
- Chăn cà lại, dú Việt Băc boong hây mùa đông mà thâng chạu hơn (thật vậy, ở Việt Bắc chúng ta mùa đông đến sớm hơn)