CHƯƠNG V: CÁC LOẠI TỪ
Vốn từ của một ngôn ngữ rất phong phú và phức tạp. Tuy rằng mỗi một từ đều có ý nghĩa riêng, nhưng không phải mỗi từ đều có đặc điểm ngữ pháp riêng. Do đó, ta có thể qui những từ có chung đặc điểm ngữ pháp thành một số loại nhất định gọi là các loại từ.
Việc phân loại các từ trong Tiếng Tày – Nùng là một việc tương đối khó khăn, bởi vì bản thân từ của Tiếng Tày – Nùng không có dấu hiệu hình thức để qui chúng vào loại từ này hay loại từ kia. Tuy nhiên khi phân định loại từ, ta không thể chủ quan, tùy tiện mà phải tìm ra tiêu chuẩn khách quan khác để làm căn cứ. Tiêu chuẩn đó có thể là:
(a) Ý nghĩa khái quát của các loại từ
(b) Đặc điểm kết hợp của từ trong các cụm từ chính phụ, chủ vị.
Dựa vào các tiêu chuẩn trên, ta chia từ trong Tiếng Tày – Nùng ra làm chín loại.
- Danh từ
- Động từ
- Tính từ
- Đại từ
- Số từ
- Phụ từ
- Quan hệ từ
- Trợ từ
- Thán từ
Sau đây sẽ phân tích từng loại một theo những tiêu chuẩn đã nêu ở trên.
I. DANH TỪ
I.1 ĐỊNH NGHĨA
Danh từ là từ biểu thị sự vật (sinh vật, vật thể, thời gian, không gian và các hiện tượng thiên nhiên, xã hội, tư duy con người) và có những đặc điểm ngữ pháp sau đây:
(a) Khi làm vị ngữ trong câu bình thường phải kết hợp với từ LẺ (là), CHỬ (là, phải), HÊT (làm)
(b) Khi làm từ chính trong cụm từ, hầu hết các danh từ có thể có từ chỉ số lượng như: BẠI (những, các), SLOONG (hai), SLAM (ba)… đứng trước; Các từ chỉ định như NẨY (này, ấy), TỈ (kia)… đứng sau. Thí dụ:
- Nà rẩy lẻ búng tưc slâc, cuôc bai hêt slủng đạn, nông dân lẻ cần chiến xị (ruộng rẫy là nơi đánh giặc, cuốc cào là súng đạn, nông dân là chiến sĩ)
- Te chử noọng khỏi (nó là em tôi)
- Bại nhình nẩy đăm nà (các chị này đi cấy)
- Slam ăn rườn tỉ ngám hêt (ba cái nhà kia mới làm)
I.2 CÁC LOẠI NHỎ TRONG DANH TỪ
Trên đây là một số đặc điểm ngữ pháp chung của danh từ. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng nội bộ danh từ không có khả năng phân ra nhiều loại nhỏ nữa. Căn cứ vào tính chất khái quát, vào khả năng đứng sau từ chỉ ra số lượng, trước hết ta phân danh từ ra thành danh từ chung và danh từ riêng.
I.2.A DANH TỪ CHUNG
Danh từ chung biểu thị khái quát cả một loại sự vật; phần lớn thường có đầy đủ các đặc điểm ngữ pháp chung của danh từ.
Dưới đây là một số danh từ chung:
- Cần (người), áo (chú), chảng lêch (thợ rèn), mu (lợn), mèng (ruồi), mật mèng (côn trùng), mạy (cây), toong (lá), nhả (cỏ), slửa (áo), rườn lảng (nhà cửa), tả (sông), vằn (ngày), phân (mưa)…
Tuy nhiên, danh từ chung cũng không hoàn toàn thuần nhất. Nếu ta vận dụng các đặc điểm ngữ pháp của danh từ một cách đầy đủ, nghĩa là xét khả năng kết hợp các từ chỉ đơn vị loại: TUA (con), ĂN (cái)…. hoặc những từ chỉ ra số lượng chính xác: SLOONG (hai), SLAM (ba)… thì có thể tiếp tục chia danh từ chung thành những loại nhỏ nữa. Để tiện cho việc phân tích cú pháp sau này (cụ thể là phân tích các loại cụm từ) ta tạm chia danh từ chung thành mấy loại nhỏ sau đây:
Danh từ biệt loại (sinh vật, vật vô sinh, các hiện tượng thiên nhiên xã hội), danh từ chỉ đơn vị, danh từ tổng hợp, danh từ chỉ thời gian nơi chốn.
I.2.A.1 Danh từ biệt loại
Danh từ biệt loại chiếm tỉ lệ cao nhất trong các loại danh từ. Chúng biểu thị vật hữu sinh, vật vô sinh, các hiện tượng thiên nhiên hoặc xã hội, có đặc điểm ngữ pháp là khi làm từ trung tâm trong cụm từ, đặt sau các từ chỉ số lượng chính xác SLOONG (hai), SLAM (ba), SLÍ (bốn)… thì thường thường có các từ TUA (con), CO (cây), ĂN, NGHÉ (cái)… xen vào giữa, với tác dụng.
(a) Xác định đơn vị
(b) Chỉ ra loại của danh từ đó.
Những danh từ đứng sau TUA (con) bao giờ cũng chỉ động vật, đứng sau CO (cây) bao giờ cũng chỉ thực vật, đứng sau ĂN, NGHÉ (cái), TÈO (cái, chiếc) thường chỉ vật vô sinh.
Thí dụ:
- Slam tua pja (ba con cá)
- Slí co mạy (bốn cây cây: bốn cây)
- Hả ăn pat (năm cái bát)
Sau đây là một số danh từ biệt loại:
- (1) Vài (trâu), cáy (gà), mật (kiến), khuyêt (nhái), mạy (cây), mac (quả), nhả (cỏ), chup (nón), hin (đá), lồm (gió), phả fạ (mây)…
- (2) Pat (bát), bôm (mâm), coong (chum), lò (cái dành), khương (giỏ), xói, xoỏng (thạ)…
Đối với loại (1) không cần giải thích thêm, nhưng đối với loại (2) cần phân biệt rõ ở chỗ: Nó là danh từ biệt loại vì nó chỉ một loại dụng cụ và có đặc điểm ngữ pháp vừa nêu trên. Nó cũng có thể dễ được coi là những từ đơn vị khi chỉ ra một lượng sự vật được chứa đựng trong đó và đặc điểm ngữ pháp của nó lúc này hoàn toàn như đặc điểm ngữ pháp của một danh từ chỉ đơn vị (xem đặc điểm ngữ pháp của danh từ đơn vị ở mục dưới)
Ở đây, chúng ta đã xét loại danh từ này theo khía cạnh thứ nhất nên xếp nó vào danh từ chỉ loại.
I.2.A.2 Danh từ chỉ đơn vị
Đấy là những danh từ biểu thị đơn vị đo lường (như: Độ dài, khối lượng, trọng lượng) và đơn vị thời gian, xã hội… có đặc điểm ngữ pháp là không thể kết hợp với những từ chỉ đơn loại như TUA (con), ĂN (cái)… Khi kết hợp với những từ chỉ số lượng chính xác: SLOONG (hai), SLAM (ba)…. có thể đặt trực tiếp sau chúng. Thí dụ:
- Hả xich (năm thước)
- Slam bươn (ba tháng)
Sau đây là một số danh từ chỉ đơn vị:
- Xón (tấc), xich (mét, thước)(1), chap (gang), và (sải), chàng (lạng), cân (cân), nạo (yến), cao (sào), mạu (mẫu), booc (ống)(2), tỏ (10 ống), cộp (4 bó mạ), pung (40 bó mạ)…
- Vằn (ngày), bươn (tháng), pi (năm), tởi (đời), mjều (vụ), bản (làng)…
Chú thích: (1)(2) Xich, booc … vừa chỉ một dụng cụ, vừa chỉ một đơn vị đo lường, ở đây chỉ xét chúng theo khía cạnh thứ hai, vì công cụ đo đạc tương đối nổi rõ.
I.2.A.3 Danh từ tổng hợp
Danh từ tổng hợp là những danh từ biểu thị một số loại sự vật và có đặc điểm ngữ pháp là: Không thể đặt sau những từ chỉ ra số lượng chính xác SLOONG (hai), SLAM (ba), SLÍ (bốn)… trừ một số danh từ tổng hợp chỉ quan hệ thân thuộc ( Người ta vẫn thường nói SLOONG PỈ NOỌNG (hai anh em, hai chị em); SLAM LÙNG ÁO (ba anh em)…)
Một số danh từ tổng hợp thường gặp: PỎ MẺ (cha mẹ), PHUA MÌA (vợ chồng), LÙNG ÁO (anh em trai, chú bác), MẬT MÈNG (sâu bọ), KHAU PHJA (núi rừng), VẰN CẲM (ngày đêm), MẠY MAC (cây cối)…
I.2.A.4 Danh từ chỉ thời gian, nơi chốn
Những danh từ thuộc loại này chỉ ra các điểm xác định trong thời gian và không gian. Số lượng chúng không nhiều, đặc điểm ngữ pháp không nhất quán trong toàn bộ tiểu loại, cho nên khó tìm được tiêu chí khách quan để thỏa mãn loại danh từ này. Chúng giống danh từ tổng hợp ở chỗ không thể hạn định bằng những từ chỉ số lượng chính xác và các từ chỉ loại, chỉ có một số có thể hạn định bằng những từ chỉ định NẨY (này), TỈ (kia).
Những danh từ chỉ thời gian như: CÀ NÀY (hiện nay), PỬA ĐÍA (đời xưa), NGÒA (thời gian qua), DÌN (hôm kia), MỪA NẢ (mai sau), PJỤC (mai)…
Những danh từ chỉ nơi chốn: NƯA (trên), TẨƯ (dưới), CHANG (giữa), XẢNG (bên), TÓ NẢ (đằng trước), LẶM LĂNG (đằng sau)…
I.2.A.DANH TỪ RIÊNG
Danh từ riêng là những danh từ biểu thị tên riêng một người, một tập thể, một địa phương hay một sự kiện riêng biệt, có đặc điểm ngữ pháp là không thể kết hợp với những từ chỉ số lượng: BẠI (những, các), LAI (nhiều), SLOONG (hai), SLAM (ba)… Thí dụ:
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ
- Noọng Kim Đồng (em Kim Đồng)
- Ngườm Pac Bó (hang Pắc Bó)
- Thoong Bản Dôc (thác Bản Giốc)
Họa hoằn có gặp một số danh từ riêng đặt sau từ chỉ ra số lượng thì đấy là do số danh từ riêng này đã bị khái quát hóa hoặc có sự trùng tên một cách ngẫu nhiên. Thí dụ:
- Bản nẩy mì sloong Thanh ớ, chài xa Thanh tầư ? (Làng này có hai Thanh đấy, anh tìm Thanh nào?)