CHƯƠNG IV: CÂU
IV.III CÁC LOẠI CÂU CHIA THEO MỤC ĐÍCH NÓI NĂNG
Mục đích chung của câu là thông báo một ý nghĩ, một tình cảm, một thông báo. Nhưng căn cứ vào mục đích cụ thể trong khi nói năng, chúng ta có thể chia câu thành mấy loại sau: Câu kể, Câu hỏi, Câu cầu khiến, Câu cảm xúc
1. CÂU KỂ
Câu kể là câu nói về hoạt động, trạng thái, tính chất hay chủng loại của đối tượng. Thí dụ:
- Vằn nẩy tằng rườn pây lồng thúa (hôm nay cả nhà đi trồng đỗ)
- Fạ phân lăt lí (trời mưa tầm tã)
- Ngỏ pây nớ (tôi đi nhé)
Muốn phủ nhận các phần trong câu kể, ta chỉ cần đặt trước những phần đó các từ có ý nghĩa phủ định.
Khi phủ định vị ngữ thì thêm những từ có ý nghĩa phủ định như: BẤU, MÍ, NÁ, NẮM (không, chẳng); DÁ (đừng); XẰNG, PÁY (chưa) vào trước nó. Thí dụ:
- Te nắm pây (nó không đi)
- Noọng dá cạ (em đừng nói)
Nếu vị ngữ là các từ chỉ sự vật, số lượng thì cần thêm từ CHỬ (phải) vào sau từ phủ định (trừ từ DÁ). Khi ấy phần vị ngữ không thể có từ LẺ (là) là từ cần thiết cho loại câu này nữa. Thí dụ:
Pỏ te lẻ chảng lêch
(bố nó là thợ rèn) |
Pỏ te bấu chử chảng lêch (bố nó không phải thợ rèn = bố nó không phải là thợ rèn) |
Khi phủ định chủ ngữ và các phần khác thì chỉ cần đặt cụm từ có ý nghĩa phủ định BẤU CHỬ (không phải), XẰNG CHỬ (chưa phải) lên trước chúng. Thí dụ:
- Bấu chử chài cạ (không phải anh bảo)
- Bấu chử vằn ngòa te hêt (không phải hôm qua nó làm)
- Khỏi hẳm bấu chử thình mạy nẩy (tôi chặt không phải loại cây này)
2. CÂU HỎI
Câu hỏi là câu nhằm mục đích nêu lên điều thắc mắc và đòi người khác trả lời.
Trong Tiếng Tày – Nùng, muốn đặt câu hỏi thường phải dùng một số phương tiện sau đây:
- (a) Dùng những từ để hỏi như: CẦƯ (ai), RĂNG (gì), TẦƯ (đâu, nào), RỪ (sao), KỈ LAI (bao nhiêu)…
- (b) Đặt những từ phủ định: BẤU, MÍ (không), PÁY, XẰNG (chưa) sau vị ngữ.
- (c) Đặt từ chỉ thái độ như LỎ (à), và tổ hợp của nó là NẮM LỎ (không đấy)(nhiều nơi nói tắt là MỎ) ở cuối câu.
- (d) Lặp lại những từ chỉ hoạt động, trạng thái, tính chất và có từ phủ định như BẤU, MÍ (không) hoặc từ chỉ sự lựa chọn như: RỤ (hay, hoặc), RỤ CẠ (hay là) xen vào giữa.
Thí dụ:
- Cầư càm quá nẩy pây? (Ai đi qua đây?)
- Chài hêt răng? (Anh làm gì?)
- Lan kin ngài xằng? (Cháu ăn cơm trưa chưa?)
- Noọng slon bài lỏ? (Em học bài à?)
- Hăn vài nắm lỏ? (Thấy trâu không đấy?)
- Boong hây pây rụ bấu pây? (Chúng ta đi hay không đi?)
Do mục đích hỏi khác nhau, nên cũng có nhiều loại câu hỏi. Ta thường gặp các loại câu hỏi sau đây:
2.A. CÂU HỎI RỘNG
Loại câu hỏi này không hạn chế phạm vi trả lời; nó thường dùng những từ nghi vấn làm phương tiện để hỏi. Giả dụ có một người nào đó hỏi:
- Vằn nẩy chài hêt răng? (hôm nay anh làm gì?)
Người khác có thể đáp:
- Pây tổng (đi làm đồng)
- Dú rườn (ở nhà)
- Chỏi thây phưa (chữa cày bừa) (trả lời cụ thể hơn)
2.B. CÂU HỎI HẠN CHẾ
Câu hỏi hạn chế chỉ đòi hỏi người trả lời khẳng định hay phủ định hoặc lựa chọn một trong những điều mà người hỏi đặt ra.
Thí dụ, nếu có ai hỏi: Noọng mì chèn bấu? (em có tiền không?) thì người khác chỉ cần trả lời BẤU (không) hoặc MÌ (có). Các phần của câu được sắp xếp như sau:
- Chủ ngữ + vị ngữ + BẤU
- Chủ ngữ + vị ngữ + BẤU + vị ngữ
- Chủ ngữ + vị ngữ + RỤ BẤU + vị ngữ
Dạng thứ ba có thể lược bớt vị ngữ ở cuối:
- Chủ ngữ + vị ngữ + RỤ BẤU
Thí dụ:
- Nhìn pây thây nà bấu? (Chị đi cày không?)
- Pú hăn rụ bấu hăn? (Ông thấy hay không thấy?)
- Te đảy phuối rụ bấu? (Nó được nói hay không?)
2.C. CÂU HỎI KHẲNG ĐỊNH
Câu hỏi khẳng định tuy có hình thức của câu hỏi, nhưng thực chất lại nhằm khẳng định đặc trưng tường thuật ở vị ngữ. Vì vậy, loại câu này nhiều khi không bắt buộc người khác trả lời. Câu hỏi khẳng định bao giờ cũng có một từ để hỏi, một từ phủ định. Thí dụ:
- Cầư ca te, xằng mà? (ai bảo nó chưa về?)
- Cầư cạ tiểng Tày – Nùng boong hây nắm chàu mì? (ai bảo Tiếng Tày – Nùng của chúng ta không phong phú?)
2.D. CÂU HỎI PHỦ ĐỊNH
Đấy là loại câu có hình thức của câu hỏi, nhưng lại nhằm nhấn mạnh ý nghĩa phủ định hay bác bỏ ý kiến của người khác. Cũng như câu hỏi khẳng định, câu hỏi phủ định thường không đòi hỏi người khác trả lời. Câu hỏi phủ định chỉ có từ để hỏi, không có từ phủ định. Thí dụ:
- Hêt pện nẩy ngòi đảy lỏ? (Làm thế này coi được sao?)
- Cầư cạ nà đăm háng chắng đây? (Ai bảo ruộng cấy thưa mới tốt?)
2.E. CÂU HỎI CẦU KHIẾN
Câu hỏi cầu khiến cũng là loại câu tuy có hình thức của câu hỏi, nhưng lại nhằm mục đích biểu thị sự ra lệnh. Loại câu này nhiều khi cũng không đòi hỏi trả lời. Nó luôn luôn có từ phủ định và trước vị ngữ thường có từ TẺ (nghĩa gần như từ CÓ) để biểu thị thái độ người nói. Thí dụ:
- Mầư tẻ pây hen vài bấu? (Mày có đi chăn trâu không?)
- Tẻ nặc bấu nặc? (Có nín không nín = Có nín hay không?)
3. CÂU CẦU KHIẾN
Mục đích của câu cầu khiến là nêu lên nguyện vọng, ý chí của người nói và mong mỏi, đòi hỏi những điều đó được thực hiện. Có hai cách đặt câu cầu khiến: Cách thứ nhất là nhấn mạnh giọng điệu ở phần cuối của câu được cấu tạo như câu tường thuật. Cách thứ hai là thêm vào cuối câu những từ: PÂY (đi), NGÒI (xem), A NẺ (thôi chứ)… Hoặc thêm vào trước vị ngữ những từ: CỎI (hãy), DÁ (đừng). Thí dụ:
- Tứn dặng! (đứng dậy!)
- Slon bài pây! (học bài đi!)
- Tầư khẩu mà ngòi! (động vào xem!)
- Dá hêt pện nẩy! (Đừng làm thế)
4. CÂU CẢM XÚC
Câu cảm xúc nhằm mục đích biểu thị những sắc thái tình cảm khác nhau của người nói, như: Vui mừng, khen ngợi, châm biếm, lo lắng, sợ sệt, đau buồn…
Trong câu cảm xúc có thể có những từ biểu thị cảm xúc như: ỐI DỎ (ối chà), A RỒI (ôi, ôi dào), VẨY (ô hay), ỚI (ơi)….Những từ này phần lớn thường được đặt ở đầu câu, riêng từ ỚI (ơi) thường đặt ở cuối câu. Thí dụ:
- Ối dỏ, đảy cặn lai! (ối chà, được nhiều ngần này!)
- Á rổi, chêp thai! (ôi, đau chết được!)
- Bân fạ ới! (trời đất ơi!)