Ngữ pháp tiếng Tày Nùng – Câu: IV.I Câu bình thường

CHƯƠNG III – CÂU

Các cách đặt câu

Khi chúng ta nói hay viết, không phải câu nào cũng giống câu nào. Thí dụ:

a)

  • Noọng hung khẩu (em nấu cơm)
  • Nhình Lan hết lượn (chị Lan hát lượn)

Là một loại câu

b)

  • Tàu bên! (máy bay!)
  • Sloai dá (trưa rồi)

Là một loại câu khác

Hai loại câu trên tuy cùng thông báo một ý trọn vẹn, nhưng xét về mặt cấu tạo, chúng rất khác nhau. Những câu thuộc loại thứ nhất bao giờ cũng gồm có hai phần, mỗi phần giữ một vai trò nhất định và có quan hệ chặt chẽ với nhau. Một phần thì nêu lên đối tượng, còn phần kia thì tường thuật về đối tượng đó. Ngược lại, những câu thuộc loại thứ hai không thể tách ra được như vậy. Chúng chỉ gồm có một phần, ngay phần đó cũng không có căn cứ khách quan để gọi lá là phần nêu lên đối tượng hay phần báo về đối tượng. Loại câu do hai phần tạo thành gọi là CÂU BÌNH THƯỜNG. Còn loại câu chỉ có một phần gọi là CÂU ĐẶC BIỆT.

Ta gọi như vậy là dựa vào tính chất phổ biến của chúng trong sự nói năng. Câu bình thường rất phổ biến, trong khi nói cũng như khi viết. Câu đặc biệt thì ít xuất hiện và cũng chỉ xuất hiện trong hoàn cảnh tương đối đặc biệt.

IV.I CÂU BÌNH THƯỜNG

Câu bình thường là loại câu do một cụm từ chủ vị tạo thành. Thí dụ:

  • Noọng slon slư ( em học)
  • Khen chêp (tay đau)
  • Chài mà (anh về)

Đứng về mặt cấu tạo mà xét, những câu trên đều có hai phần. Muốn chia các phần đó được khách quan, chúng ta có thể đặt những câu hỏi, mà những từ dùng để hỏi là:

1. Cầư? (ai?), tua răng? (con gì?), ăn răng? (cái gì?) đặt ở đầu câu hỏi

2. Hêt răng? (làm gì?), pền rừ? (thế nào?)… đặt ở cuối câu hỏi.

Phần nào trong câu bình thường trả lời cho loại câu hỏi thứ nhất gọi là phần một. Phần nào trả lời cho loại câu hỏi thứ hai gọi là phần hai. Áp dụng biện pháp ấy, ta có thể chia các phần của những câu vừa nêu ở trên. Ta đặt câu hỏi:

  • Cầư slon slư? – Trả lời: Noọng.

Ta hỏi tiếp:

  • Noọng hêt răng? – Trả lời: Slon slư.

Như vậy, ta đã phân câu trên thành hai phần như sau:

  • Phần 1: Noọng
  • Phần 2: Slon slư

Bất cứ câu bình thường nào cũng đều chia ra được hai phần như vậy, mỗi phần đều có chức năng nhất định. Theo cách gọi thông thường trong ngữ pháp học, phần một gọi là CHỦ NGỮ của câu, phần hai gọi là VỊ NGỮ của câu.

1. CHỦ NGỮ

Chủ ngữ là phần biểu thị sự vật mà hoạt động, trạng thái hay đặc điểm, bản chất được tường thuật ở bộ phận vị ngữ. Nói một cách khác, chủ ngữ là đối tượng tường thuật của vị ngữ.

Chủ ngữ của câu bình thường có thể là một từ hoặc một cụm từ.

1.A Chủ ngữ là những từ biểu thị người, vật và sự việc

  • Chài pây liểu (anh đi chơi)
  • Nhả kheo ưt (cỏ xanh rờn)

1. B Chủ ngữ là những từ dùng để trỏ, để hỏi

  • Te lộm (nó ngã)
  • Cầư cạ hêt? (ai bảo làm?)

1.C Chủ ngữ là những từ biểu thị hành động, trạng thái, tính chất

  • Sloong nọi quá slam (hai ít hơn ba)
  • Tải slí lẻ khỏi (thứ tư là tôi)

1.D Chủ ngữ là những từ biểu thị hành động, trạng thái, tính chất.

  • Pây lẻ chử á (đi là phải)
  • Đây mjạc lẻ cầư tố ái (tốt đẹp thì ai cũng thích)

1.E Chủ ngữ là một cụm từ

Khi chủ ngữ là một cụm từ thì những cụm từ ấy thường lấy những từ chỉ người, vật, sự việc hoặc những từ chỉ hoạt động trạng thái làm trung tâm. Ngoài ra, cụm từ cũng có thể là một tổ hợp của những từ chỉ số lượng. Thí dụ:

  • Kỉ cần pây cón dá (mấy người đi trước rồi)
  • Thư hua căn lẻ hêt răng tố ngải (ý hợp tâm đầu thì làm việc gì cũng dễ)
  • Sloong pày slí pền pet (hai lần bốn là tám)

2. VỊ NGỮ

Vị ngữ là phần quan trọng nhất trong câu bình thường. Nó tường thuật về chủ ngữ. Vị ngữ cũng có thể do một từ hoặc một cụm từ tạo thành.

2.A Vị ngữ là những từ chỉ sự hoạt động, trạng thái, tính chất, hay thứ tự. Loại vị ngữ này bao giờ cũng đặt trực tiếp sau chủ ngữ.

  • Noọng toọc xec (em đọc sách)
  • Môc chêp (bụng đau)
  • Hua phjôm khao fầư (đầu tóc bạc phơ)

2.B Vị ngữ là những từ chỉ sự vật (người, vật, sự việc), những từ dùng để trỏ, những từ chỉ số lượng. Vị ngữ, do những loại từ trên đây biểu thị thường không đặt trực tiếp sau chủ ngữ, mà phải kết hợp với từ LẺ (là) (nhiều khi mượn thẳng từ của tiếng Việt), CHỬ (là, phải).

Riêng những từ chỉ số lượng có thể đặt sau từ PỀN (là, thành); những từ biểu thị nghề nghiệp thường đặt sau HÊT (làm). Thí dụ:

  • Cần đang slí phjải lẻ áo, cần nẳng lẻ lùng (người đang đi là chú, người ngồi là bác)
  • Te chử lục liệng ớ (nó là con nuôi đấy)
  • Nhình Thanh hêt cán bộ (chị Thanh là cán bộ)
  • Sloong vạ slam pền hả (hai với ba là năm)

2.C Vị ngữ làm một cụm từ. Vị ngữ cũng có thể là một cụm từ, mà từ trung tâm có thể là từ chỉ sự vật hay từ chỉ hoạt động, trạng thái, tính chất. Những vị ngữ này biểu thị nhiều mặt khác nhau như: Tuổi tác, thời gian, nơi chốn, xuất xứ hay đặc điểm sự vật. Cuối câu thường có thêm những từ chỉ thái độ như: NẺ (đấy), CHẦY (cơ, thôi)… Để cho câu nói thêm thanh thoát nhịp nhàng. Thí dụ:

  • (1) Pú khỏi tha lài dá (ông tôi mắt kém rồi)
  • (2) Bạc cần Cao Bằng chầy (bác người Cao Bằng thôi)
  • (3) Vằn pjục xo hả bươn hả nẻ (ngày mai là mồng năm tháng năm đấy)

Vì bản chất ngữ pháp của cụm từ phụ thuộc vào yếu tố trung tâm, nên những cụm từ làm vị ngữ có trung tâm là một từ chỉ hoạt động, tính chất thì luôn luôn trực tiếp đứng sau chủ ngữ, còn trung tâm là một từ chỉ sự vật thì có khi trực tiếp, có khi gián tiếp đứng sau chủ ngữ, cũng đôi khi có cả hai khả năng ấy.

Hai ví dụ (2) và (3) vừa nêu trên có thể thêm LẺ (là) vào giữa chủ ngữ và vị ngữ. Ta cũng có thể nói:

  • Bạc lẻ cần Cao Bằng chầy (bác là người Cao Bằng thôi)
  • Vằn chục lẻ xo hả bươn hả nẻ (ngày mai là mồng năm tháng năm đấy)

3. QUAN HỆ GIỮA CHỦ NGỮ VÀ VỊ NGỮ

Chủ ngữ và vị ngữ là hai phần nòng cốt của câu bình thường. Thường thì câu có đầy đủ hai phần đó mới có khả năng thông báo một ý trọn vẹn.

Câu Noọng slon slư (em học), nếu chỉ có NOỌNG (em) thì người ta sẽ không biết NOỌNG làm gì. Nhưng nếu chỉ có SLON SLƯ (học) không thôi, thì cũng không hiểu được ai học. Khi hoàn cảnh nói năng cho phép, người ta có thể bỏ chủ ngữ, vị ngữ hay bỏ cả hai, đấy là trường hợp rút gọn câu (Xem phần RÚT GỌN CÂU, ở sau)

4. TRẬT TỪ NGỮ PHÁP CỦA CHỦ NGỮ VÀ VỊ NGỮ

Về mặt trật tự, chủ ngữ bao giờ cũng đứng trước, vị ngữ đứng sau. Đó là trật tự tương đối cố định không thể tùy tiện đảo lộn. Nếu chúng ta thay đổi trật tự đó, ý của câu hoặc là sẽ thay đổi hoặc là vô nghĩa. Thí dụ:

  • Chài lao lai (anh sợ lắm)
  • Lao chài lai (sợ anh lắm)

Câu trên đã thay đổi ý nghĩa khi ta thay đổi vị trí các phần trong câu.

  • Te rèng rửn (nó khỏe mạnh)
  • Rèng rửn te (khỏe mạnh nó)

Cân trên đã trở nên vô nghĩa khi ta thay đổi vị trí của hai phần.

Tuy vậy, không phải không có hiện tượng đảo vị trí chủ ngữ và vị ngữ của câu bình thường. Trong trường hợp đặc biệt, để nhấn mạnh cái ý nêu lên ở vị ngữ, người ta cũng có thể đảo trật tự trên (xem phần Đảo ngược, ở các bài sau)