CHƯƠNG III – TỪ
III. III. CẤU TẠO CỦA TỪ
Xét theo sự có mặt của các yếu tố có nghĩa trong từ, có thể chia từ trong Tiếng Tày – Nùng ra làm hai loại là từ thuần và từ ghép
1. TỪ THUẦN
Những từ chỉ cấu tạo bằng một đơn vị nhỏ nhất có nghĩa từ vựng (có thể do một hay nhiều âm tiết tạo thành) là từ thuần.
A. TỪ THUẦN MỘT ÂM TIẾT
Thí dụ: BÂN (trời), LỒM (gió), BƯƠN (tháng), KIM (vàng), MU (lợn), NGÀ (vừng), PJẠ (dao), CĂM (cầm).
Từ thuần một âm tiết rất dễ nhận và nói chung không có gì đáng tìm hiểu về cách cấu tạo của nó.
B. TỪ THUẦN NHIỀU ÂM TIẾT (chủ yếu là hai âm tiết)
Một từ có hai âm tiết trở lên, khi tách ra cả hai hay một âm tiết không có nghĩa độc lập là từ thuần nhiều âm tiết. Thí dụ:
B.1 Cả hai âm tiết đều không có nghĩa
- CA RỘC (con cóc)
- HINH HỎI (đom đóm)
- CHỦM CHÒE (võng đu)
- ĐĂC ĐỈ (rón rén)
- LẶC LẨY (ồn ào)
- NHẮM NHÍ (khoe, nhử)
- NGÀM CHÀM (giận dỗi)
- LẰN CHẰN (khó xử)
- PẢN CHỎA (ngồi bệt)
- QUẢI MA (quái gì, thá gì)…
B.2 Một âm tiết có nghĩa, một âm tiết không có nghĩa
Trong loại này âm tiết có nghĩa thường đứng trước, âm tiết không có nghĩa đứng sau (trong một số ít từ, có hiện tượng ngược lại). Nói cho đúng đây là loại từ trung gian giữa từ thuần và từ ghép. Thí dụ:
Âm tiết đứng trước có nghĩa, âm tiết đứng sau không có nghĩa
- NGOĂC NGÓE (lắc đầu)
- LIỂU LỎA (chơi bời)
- KHAO XOAC (trắng xóa, trắng phau)
- RÈNG RẠT (khỏe khoắn)
Âm tiết sau có nghĩa, âm tiết trước không có nghĩa
- HẰM HỨN (ghen ghét)
- THĂC HÍ (lo ngay ngáy)
Trong các từ thuần hai âm tiết của Tiếng Tày – Nùng, có một bộ phận quan trọng cấu tạo bằng cách láy âm. Đặc điểm của chúng là có quan hệ ngữ âm với nhau rất chặt chẽ, các âm tiết trong từ phải là 1) có phụ âm đầu như nhau, hay 2) có vần và thanh điệu như nhau. Thí dụ:
- HINH HỎI (đom đóm)
- PIN PJIẾU (leo trèo)
- MỦN MỈN (vụn vặt)
- RÌ ROẠT (dài ngoẵng)..
- LẰN CHẰN (khó xử)
- PAP XAP (rỉ tai)
- LẠP CHẠP (lẫn lộn)…
2. TỪ GHÉP
A. TỪ GHÉP
Một từ do hai hay trên hai đơn vị có ý nghĩa từ vựng hợp thành gọi là từ ghép. Từ ghép là một khối thống nhất và hoàn chỉnh về mặt cấu tạo và về mặt ý nghĩa. Cho nên, nói chung không thể tìm hiểu ý nghĩa của từ ghép một cách giản đơn là cộng những ý nghĩa hợp thành lại được. Thí dụ:
- NẢ NA (mặt + dầy = không biết thẹn)
- PÙN TOỎNG (chậu + đồng = chậu rửa mặt)
- ĐI KHỬN (mật + lên = tức giận)
B. PHÂN LOẠI TỪ GHÉP
Từ ghép Tiếng Tày – Nùng có thể chia làm hai loại lớn: Loại không mang bán phụ tố và loại mang bán phụ tố (Bán phụ tố sẽ nói rõ sau).
Từ ghép không có bán phụ tố có thể chia làm ba lớp nhỏ.
B.1 Từ ghép theo quan hệ chính phụ
Đây là loại từ ghép thường thấy nhất trong Tiếng Tày – Nùng. Những từ thuộc loại này được cấu tạo theo trật tự: Yếu tố chính chỉ sự vật hay hoạt động khái quát đứng trước; yếu tố phụ làm chức năng bổ ngữ đứng sau. Thí dụ:
- PHƯA ĐAN (bừa + đơn = bừa một trâu)
- BOOC CÂN (ống + cân = ống đong, khoảng 1kg gạo)
- PHẢ MỪ (bàn + tay = bàn tay)
- KHO XẢN (cong + xới = bàn xẻng)
- XẺ THỎI (kéo + hàng = kéo co)
- PJÔC SLỈNH (thức + tỉnh = đánh thức; nhắc nhở)
- KHAI ĐOẢN (bán + đứt = bán đoạn)…
B.2 Từ ghép theo quan hệ liên hợp
Những từ ghép kiểu này thường được tạo thành bằng hai yếu tố gần nghĩa hoặc trái nghĩa nhau. Quan hệ giữa các yếu tố là ngang hàng, nhưng về mặt cấu tạo lại phải theo một trật tự nhất định, không thể đảo các yếu tố tạo thành một cách tùy tiện được (trừ khi có yêu cầu cần thiết về tu từ hay cách gieo vần trong bài thơ).
Từ ghép liên hợp có hai yếu tố gần nghĩa, thí dụ:
- RƯỜN LẢNG (nhà +gầm nhà = nhà cửa)
- FÙ NOÒNG (trôi + lụt = bánh trôi)
- MỤT CHUYỆT ( chết sạch + tiệt = chết sạch)
- NỘC NU (chim + chuột = chim muông)
- HUNG HANG (nấu + xào = thổi nấu, nấu nướng)
- LÙNG ÁO (anh + chú = anh em trai)
- PHIT XÁ (lệch + có lỗi = lầm lỗi)
- Từ ghép liên hợp có hai yếu tố trái nghĩa, thí dụ:
- HUA HANG (đầu + đuôi = đầu đuôi sự việc)
- BÂN ĐIN (trời + đất = trời đất)
- SLAO BÁO (gái + trai = thanh niên nam nữ)
- PÂY TẺO (đi + lại = đi lại, có quan hệ với nhau)
- KHAI DỰ (bán + mua = mua bán)
- ĐÂY RẠI (tốt + xấu = dù sao, dẫu sao)…
B.3 Từ ghép theo quan hệ chủ vị
Trong loại từ ghép này, yếu tố đóng vài trò chủ ngữ đứng trước, yếu tố đứng sau đóng vai trò vị ngữ và dùng để nói rõ hay miêu tả đặc tính của yếu tố đứng trước. Thí dụ:
- CÁY TĂC (gà + gãy = gà què)
- HUA BAU (đầu + nghịch = nghịch ngợm, bất chính)
- LAN ĐENG (cháu + đỏ = đích tôn, cháu đích tôn)
- FẶC ĐENG (bí + đỏ = bí đỏ)
- CÀN SLIỂM (đòn + nhọn = đòn sóc)
- KHÓA CỎM (quần + ngắn = quần cộc)
(Chú thích: Cũng có thể coi hàng loạt từ trong lớp này là từ cấu tạo theo quan hệ chính phụ)
B.4 Từ ghép mang bán phụ tố
Tiếng Tày – Nùng có một loại từ cấu tạo khá đặc biệt, ở đây tạm gọi là từ ghép có mang bán phụ tố. Trong hai thành phần tạo thành loại từ ghép này, một thành phần có ý nghĩa từ vựng rõ ràng và đóng vai trò chủ chốt của từ. Phần còn lại, ý nghĩa từ vựng thường không rõ ràng, thường chỉ có nghĩa hư. Đó là phần bán phụ tố (Chú thích: Chúng tôi gọi là bán phụ tố, chứ không phải là phụ tố thực sự, vì những yếu tố này không có đặc tính hoàn toàn giống như các phụ tố trong các tiếng Ấn – Âu).
Bán phụ tố có khả năng kết hợp rộng rãi với những từ (hoặc yếu tố) cùng loại. Bản thân nó không đóng vai trò chính của từ mà chỉ phụ thuộc vào thành phần chính.
Tất cả các bán phụ tố trong Tiếng Tày – Nùng đều đứng trước thành phần chính. Đứng về lịch sử mà xét thì những bán phụ tố ngày nay, trước đây hầu hết đều là những từ có nghĩa thực. Nhưng do sự phát triển của ngôn ngữ, nghĩa của nó trong từ ghép đã bị lu mờ đi.
Những bán phụ tố có một ý nghĩa từ vựng nhất định. Thí dụ:
HÊT (làm)
- HÊT NHẶP (làm vá = khâu vá)
- HÊT NHỌM (làm nhuộm = nhuộm)
- HÊT CHỒM (làm xem = chơi)
- HÊT KIN (làm ăn = xây dựng gia đình)…
PỀN (thành, nên, xảy ra)
- PỀN KHẢY (thành ốm = ốm đau)
- PỀN HẨU (thành hủi = bị hủi)
- PÊN FUNG (thành tê thấp = tê thấp)
- PỀN KIN (thành ăn = thức ăn được)
SLĂC (… nào đó, …. gì cả,… bao giờ)
- SLĂC Ỉ (một chút nào đó)
- SLĂC CO (một cây nào đó)
- SLĂC PI (một năm nào đó)
- SLĂC VẰN (một ngày nào đó)
- SLĂC PÀY (… gì cả, … bao giờ)…
Chú ý: Cần phân biệt hai từ HÊT và PỀN bình thường, với HÊT và PỀN bán phụ tố.
4.1 HÊT: Bình thường làm từ tường thuật, như HÊT RƯỜN (làm nhà), HÊT PJẦU (nấu cơm chiều)… thì không thể nhập một với hêt bán phụ tố. Vì lúc đó “hêt” nằm trong kết cấu không chặt chẽ, có thể tách ra sử dụng hay xen thành phần khác vào giữa một cách dễ dàng. Thí dụ, HÊT RƯỜN có thể nói HÊT KỈ ĂN RƯỜN (làm mấy cái nhà); trái lại HÊT bán phụ tố không thể tách ra như thế được.
4.2 PỀN: Bình thường đi sau loại từ chỉ hành vi động tác thường để chỉ kết quả, chúng cũng không có kết cấu chặt chẽ. Như, KHẨU ÁI PỀN (lúa, cơm sắp chín), HÊT PỆN CHẮNG PỀN (làm thế mới phải)… đều không phải là PỀN bán phụ tố.
Những từ ghép mang bán phụ tố có nghĩa trừu tượng thường thấy nhất là những bán phụ tố của những từ chỉ về thời gian hoặc thứ tự của chữ số. Thí dụ:
TẰNG | Tằng vằn (ban ngày) |
Tằng cừn (ban đêm) | |
Tằng nâư (buổi sáng) | |
CẠY | Cạy xo (thượng tuần) |
Cạy slip (trung tuần) | |
Cạy nhỉ (hạ tuần) | |
XO | Xo êt (mùng một) |
Xo nhỉ (mùng hai) | |
Xo slam (mùng ba) | |
Xo slip (mùng mười) | |
TẢI | Tải êt (thứ nhất) |
Tải nhỉ (thứ hai) | |
Tải slam (thứ ba) | |
Tải slip (thứ mười) |
Chú ý: Trong cách đếm truyền thống của người Tày – Nùng trước đây, để cấu tạo số từ thứ tự, bán phụ tố TẢI đứng trước số từ tự nhiên thường chỉ hạn chế từ thứ nhất đến thứ mười. Hiện tượng dùng vượt quá mười như TẢI SLIP HẢ (thứ 15), TẢI SLOONG PAC XÔC SLIP XÔC (thứ 266)… rất ít thấy. Cho tới nay, cách dùng TẢI bán phụ tố để tạo số thứ tự trên mười mới dần được sử dụng.
Bán phụ tố “TÒ”: Bán phụ tố này thường xuất hiện khi có hai hay trên hai sự vật, sự việc nảy sinh mối quan hệ tương hỗ với nhau. Thí dụ:
TÒ
- Tò hưa (nhau giúp = giúp nhau)
- Tò chùa (nhau mời = mời nhau)
- Tò đá (nhau mắng = mắng nhau)
- Tò ke (nhau nghịch = nghịch nhau)
Trong thực tế nói năng, loại từ ghép có bán phụ tố này thường được dùng kèm với đại từ tương hỗ CĂN (nhau). Về vị trí thì TÒ vẫn đứng trước và CĂN đứng sau. Nghĩa là được đan theo khuôn TÒ + X + CĂN ( X ở đây phải là một yếu tố chỉ hành vi, động tác, thường là đơn tiết). Thí dụ:
- TÒ HƯA CĂN (giúp nhau)
- TÒ CHÙA CĂN (mời nhau)
- TÒ XAM CĂN (hỏi han nhau)…
Trong khi khuôn này có hai X (hai động tác) liên tiếp thì nhất thiết phải có đại từ CĂN xen vào giữa, nếu không kết cấu này sẽ không đứng vững được.
Tức là chỉ có thể nói
- TÒ + X 1 + CĂN + X 2
Chứ không có kiểu nói theo khuôn
- TÒ + X 1 + X 2 hay TÒ + X1 + X 2 + CĂN
Trong bất cứ kết cấu tương hỗ nào, nếu đã có đại từ CĂN thì đều có thể bỏ bán phụ tố TÒ. Quan hệ đan chéo của kết cấu tương hỗ có TÒ và CĂN có thể hình dung như sau:
Hình thức ít tồn tại độc lập | Hình thức tồn tại độc lập | |
Tò + x 1 + x 2 | Tò + x 1 + căn + x 2 | x 1 + căn + x 2 |
Tò hưa hêt | Tò hưa căn hêt | Hưa căn hêt (giúp nhau) |
Tò cạ slon | Tò cạ căn slon | Cạ căn slon (bảo nhau học) |
Tò chùa kin | Tò chùa căn kin | Chùa căn kin (mời nhau ăn) |
Ngoài ra TÒ còn có thể đứng trước một số động từ phương hướng. Khi đó, nghĩa của nó hoàn toàn hư hóa. Thí dụ:
- Tò pây (“lượt” đi)
- Tò khửn (“lượt” lên).