Ngữ pháp tiếng Tày Nùng – Dấu ngắt câu

DẤU NGẮT CÂU TIẾNG TÀY – NÙNG

Dấu ngắt câu giúp cho người đọc hiểu đoạn văn được dễ dàng và chính xác. Vì thế khi chúng ta viết ra những câu, những đoạn văn dài mà không có dấu ngắt nào thì người đọc sẽ khó hiểu, thậm chí còn hiểu sai nữa.

Giả dụ ta gặp một câu như: Pửa tầư hăn rườn te riệc khỏi (khi nào thấy nhà nó gọi tôi). Câu này nếu không có dấu ngắt nào thì người đọc sẽ hiểu nước đôi. Họ có thể hiểu là:

  • Pửa tầư hăn rườn, te riệc khỏi (khi nào thấy nhà, nó gọi tôi)
  • Pửa tầư hăn rườn te, riệc khỏi (khi nào thấy nhà nó, gọi tôi)

Chính vì vậy, dấu ngắt câu rất quan trọng. Nó làm cho quan hệ giữa các từ, các phần trong câu, các đoạn văn được thể hiện rõ ràng.

Hiện nay chữ viết Tày – Nùng dùng những dấu ngắt câu như chữ Việt đã dùng, đồng thời cũng áp dụng những quy tắc sử dụng chúng như trong chữ tiếng Việt đã quy định. Những dấu câu thường được dùng là:

1. Dấu chấm (.) 2. Dấu hỏi (?)
3. Dấu than (!) 4. Dấu chấm phẩy (;)
5. Dấu phẩy (,) 6. Dấu hai chấm (:)
7. Dấu gạch ngang ( – ) 8. Dấu ngoặc đơn ()
9. Dấu ngoặc kép ” “ 10. Dấu nhiều chấm (…)

1. DẤU CHẤM (.)

Dấu chấm được dùng ở cuối câu kể và cả những câu đặc biệt chuyên chỉ nơi chốn, thời gian, nơi xuất xứ…

Thí dụ:

  • Phuối xong Long phjến gây făn fi. Mèn ngoạc mà sle pjá cằm cụng bấu lập. (nói xong Long quay đi ngay. Mèn quay lại để trả lời cũng không kịp)
  • Pi 1938. (năm 1938.)

Khi câu có đại từ để hỏi nhưng thực chất không phải là câu hỏi thì sau những câu đó, vẫn dùng dấu chấm.

Thí dụ:

  • Slao Tày tọ ten roọng bặng slao Nùng. Phuối cần hâư lẻ bấu chăc. ( thiếu nữ Tày nhưng tên gọi giống thiếu nữ Nùng. Nói đến ai mà chẳng biết.)

Chú ý: Để làm nổi bật sự tách biệt giữa hai câu có dấu chấm ở giữa, chữ cái ở đầu câu thứ hai bao giờ cũng viết hoa. Khi chấm xuống dòng thì chữ cái ở đầu câu dưới cũng viết hoa và dịch vào phía trong lề một chút.

2. DẤU HỎI (?)

Cuối câu hỏi trực tiếp, dù là câu hỏi thuộc loại nào (có đại từ để hỏi hay không, một thành phần hay hai thành phần), bao giờ cũng có dấu hỏi. Thí dụ:

  • Cầư ? (ai ?)
  • Noọng hêt răng ? ( em làm gì ?)
  • Vẩy, áo nắm pây náo lỏ ? ( ồ, chú không đi à ?)

Trường hợp dấu hỏi đặt sau một từ, một cụm từ hoặc sau cả một câu để nêu lên sự khó hiểu, sự hoài nghi thắc mắc của tác giả thì dấu hỏi này thường đặt trong ngoặc đơn. Thí dụ:

  • Te slinh pi 1940 (?) . (nó sinh năm 1940 (?))
  • Pậu cạ:” đăm thí đảy fàng, đăm háng đảy khẩu” (?) (người ta bảo: “”cấy dày được rơm, cấy thưa được thóc (?)).

3. DẤU THAN (!)

Dấu than dùng ở cuối câu cảm xúc và câu cầu khiến để chỉ ra những tình cảm khác nhau của lời nói, như: sự vui buồn, sự ngạc nhiên, sự than vãn hoặc sự cầu chúc, ra lệnh. Thí dụ:

(a) Sau câu cảm xúc:

  • Bân fạ ới ! (trời đất ơi ! )
  • Hừ ! Pac van slẩy slổm ! ( hừ ! Xanh vỏ đỏ lòng ! )
  • Ối dò, tưc đảy cặn lai pja ! ( ối chà, đánh được bằng ấy cá ! )

(b) Sau những câu cầu khiến

  • Pây khoái ! (đi mau ! )
  • Hêt lú vẩy ! (làm đi !)
  • Nòn a nè ! (ngủ đi !)

(c) Sau những lời gọi đáp

  • Tý ! Pây tình ủy ban hẩư bạc ít đeo. (Tý ! đi trình ủy ban cho bác một tí.)
  • Chử ! Bat đú cần tầư ngở. ( đúng ! Lúc đầu ai ngờ. )

Dấu than còn được dùng sau những từ có tính chất mỉa mai, và thường được ghi trong dấu ngoặc đơn. Thí dụ:

  • Chồm triển lạm dú đin “mậu quôc” (!) (xem triển lãm ở đất “mẫu quốc” (!))

4. DÂU CHẤM PHẨY (;)

Dấu chấm phẩy là dấu trung gian giữa dấu phẩy và dấu chấm. Nó dùng để ngắt những phần của câu, khi:

(a) Mỗi phần ấy tuy về mặt ngữ pháp đã có tính độc lập rõ ràng nhưng về mặt ý nghĩa lại liên quan rất chặt chẽ với nhau mà thường là có ý so sánh đối lập.

Thí dụ:

  • Tôc lăng xá phân vằn ngòa, tỉ nà nặm mẻn thuổm ; tỉ nà lẹng ngám đo nặm. (sau cơn mưa hôm qua, nơi đồng nước bị ngập ; nơi đồng cạn vừa đủ nước. )

(b) Trong nội bộ mỗi phần đã có những dấu ngắt câu khác (thường là dấu phảy). Thí dụ:

  • Tỏn mạy phấy mì slam ăn lợi: hêt trụ ske pắn pha hầm pửa khay ooc, hăp khẩu ; pửa bom puồn hầm lẻ cần đai mì thể mủng hăn tỏn mạy phấy, xa hăn tỉ hầm sle cháu ; pửa hầm mẻn puồn cần nẳng dú chang hầm vận mì không khí sle au châư. (đoạn tre có ba cái lợi: làm trụ để xoay nắp hầm lúc mở ra, đóng vào ; lúc bom lấp hầm thì người khác có thể nhìn thấy đoạn tre, tìm thấy hầm để cứu ; lúc hầm bị lấp, người ngồi trong hầm vẫn có không khí để thở.)

5. DẤU PHẨY (,)

Dấu phẩy là dấu thường dùng nhất trong khi viết. Nó được dùng trong những trường hợp sau đây:

(a) Ngắt những phần lồng.

  • Bại gia đình, bại hợp tac, bại trại khun liệng lèo hêt rườn hẩư sluc sleng (các gia đình, các hợp tác, các trại chăn nuôi nên làm nhà riêng cho gia súc)

(b) Ngắt trạng ngữ với các phần khác của câu.

  • Dú chang ngản, mạy cải mì lai (ở trong rừng già, có nhiều cây to lắm)
  • Nhoòng phân, te chắng mà nàn (vì mưa, nó mới đến muộn)

(c) Ngắt các thành phần biệt lập (lời chú thích, lời gọi đáp…) với phần nòng cốt của câu.

  • Rèo ngỏ, việc nẩy chăn pền hêt (theo tôi việc này thật nên làm)
  • Chài ơi, pây liểu nớ ? (anh ơi, đi chơi chứ ?)

(d) Ngắt những phần của câu ghép.

  • Bấu tán slủng cao xạ chắng bẳn tôc tàu bên Mị, slủng sláy tố bẳn tôc (không những súng cao xạ mới bắn rơi máy bay Mỹ, súng bộ binh cũng bắn rơi)

6. DẤU HAI CHẤM (:)

Dấu hai chấm dùng:

(a) Khi muốn trích dẫn lời người khác:

  • Cá Đào à, cằm thá ké cạ: cằm rại tả hẩư quây, au cằm đây mà xẩư, bấu chử cón tố chử lăng ( anh Đào ạ, người già nói: hãy bỏ xa những lời ác, hãy giữ lấy những lời tốt lành, không đúng trước cũng đúng sau đấy)

(b) Khi liệt kê một số sự vật có tác dụng nói rõ cho phần trước.

  • Da tảng chât toọc táng hêt: Nặm xà phòng, nặm đắng, nặm phon… (thuốc chống chất độc tự chế: nước xà phòng, nước tro, nước vôi…)
  • Xảng rườn mì lai mac, bặng: mac lì, mac phăng, mac mặn … (cạnh nhà có nhiều quả, như: lê, đào, mận…)

7. DẤU GẠCH NGANG (-)

Dấu gạch ngang thường được dùng để tách phần biệt lập xen vào giữa chủ ngữ, vị ngữ của câu.

  • Khỏi đạ chập chài La Văn Cầu – anh hùng quân đội cần Nùng – dú Hà Nội. (tôi đã gặp anh La Văn Cầu – anh hùng quân đội người Nùng – ở Hà Nội).

Ngoài tác dụng vừa nêu trên ra, dấu gạch ngang còn dùng để:

(a) Nối hai hay nhiều danh từ riêng có tác dụng như một liên danh. Khi đặt nó giữa hai con số hoặc hai từ chỉ tên đất thì nó ngang hàng với cặp quan hệ từ TỨ… THÂNG (từ… đến), có khi tương đương với từ XOÒNG HÀ (khoảng). Thí dụ:

  • Phương án slư Tày – Nùng. (phương án chữ Tày – Nùng.)
  • Kha tàng Cao Bằng – Lạng Sơn. (con đường Cao Bằng – Lạng Sơn)
  • Mì 7 – 8 noọng slon híu (có 7 – 8 em học giỏi. )

(b) Dùng để gạch ở đầu những câu được liệt kê ra để giải thích cho một thành phần nào đó đứng trước chúng. Thí dụ:

Bom bi mì slí bộ phận:

– Pha ngằm

– Hua phec

– Đang bom

– Hang bom

Bom bi có bốn bộ phận:

Nắp đậy

Đầu nổ

Thân bom

Đuôi bom

(c) Dùng để gạch ở đầu những câu đối thoại. Thí dụ:

Lưu chả looc xam slứ:

– Vảng cạ ngỏ pây lẻ nỉ pây slủ te bấu?

– Pây lá ! Nỉ khảm tả pây lẻ ngỏ cụng tèo lồng vằng pây lố.

( Lưu giả vờ hỏi thử:

– Nếu tôi đi thì mình có đi thú với bọn nó không?

– Đi à! mình đi qua sông thì tôi cũng nhảy xuống vực thôi. )

8. DẤU NGOẶC ĐƠN (())

Dấu ngoặc đơn dùng để đánh dấu những lời giải thích, lời chú giải của tác giả hay của ban biên tập. Thí dụ:

  • Pi ât dậu (1945) nước hây đảy độc lập [ Năm ất dậu (1945) nước ta được độc lập.]
  • Dú pạng Chợ Dạ (Bắc Thái) cap Nguyên Bình (Cao Bằng) khau phja ăng ăc [Ở vùng Chợ Rã (Bắc Thái) giáp Nguyên Bình (Cao Bằng) rừng núi trùng điệp.]

9. DẤU NGOẶC KÉP (” “)

Dấu ngoặc kép có nhiều chức năng khác nhau. Những đơn vị nằm trong ngoặc kép thường là:

(a) Những lời của người khác được tác giả dẫn ra trong bài của mình.

  • Cằm Bạc Cạ: “Bấu mì răng băt pèng táy độc lập tự do”  (lời Bác dạy: “không có gì quý hơn độc lập tự do”)
  • Pậu cạ: “Dú chính ngầu bấu chại” chử bấu áo? (người ta nói: “ở ngay bóng không lệch” phải không chú?)

(b) Tên sách báo, đầu đề bài viết và cả tên gọi những phong trào, những cuộc vận động lớn.

  • Tuyện “Ché Mèn đảy pây họp” cúa Nông Minh Châu ( chuyện “Chị Mèn được đi họp” của Nông Minh Châu.)
  • Bài thơ “Phac mừa pé” dú chang tập thơ “Tiểng lượn cần Việt Băc”. ( bài thơ “Gửi về biển” ở trong tậm thơ “Tiếng ca người Việt Bắc”.)
  • Công tác “slam slau”. ( công tác “ba thu”.)

(c) Những từ, những cụm từ được dùng với tính chất tạm thời hoặc mục đích mỉa mai, châm biếm. Phần lớn những từ này thường do tác giả tự sáng tạo ra hoặc mượn từ một thứ tiếng khác. Thí dụ:

  • Hợi khoăn “thần sấm” vạ “tua phi”. (hơi hồn “thần sấm” với “con ma”.)
  • Cach má chả mì lai cần chăc “slam fật” vạ “sloong căt” pha căn. ( về cách ngâm mạ, có nhiều người biết “ba sôi” và “hai lạnh”.)

10. DẤU NHIỀU CHẤM (…)

Nhiều chấm dùng ở đằng sau một từ, một cụm từ hay một câu để nói lên rằng: Những ý ở trong đó chưa nêu ra hết được, nhưng nêu ra từng ấy cũng đã đủ. Đó là trường hợp liệt kê sự vật, sự việc. Thí dụ:

  • Đội chỏi fầy lèo mì đo cúa cẩn diếu: bơm cải tiến, ăn choòng cọn, ăn đuây tập, kho vặc.. (đội chữa cháy phải có những thứ cần thiết: bơm cải tiến, cái gầu, thang gập, câu liêm…)
  • Rựp đăm, chăn lai việc: hap nặm, hung khẩu, khun mu … (chập tối, thật lắm việc: gánh nước, nấu cơm, cho lợn ăn…)

Ngoài ra, dấu nhiều chấm còn có công dụng khác nữa là biểu thị sự dở dang của câu nói vì một lý do tâm lý nào đó như: xúc cảm mạnh, hay do một vấn đề nào đó không tiện nói ra thành lời. Thí dụ:

  • Noọng Thu ! Mạc bủa… ! Pỏ ơi… ! (em thu ! Cái búa… ! Bố ơi … ! )
  • Bấu pây lẻ lỉn chầy lỏ ! Quá cạ … (không đi thì đùa à ! chẳng qua là… )

(Hết cuốn Ngữ pháp tiếng Tày Nùng)