Ngữ pháp tiếng Tày Nùng – VI.II Cụm động từ

CHƯƠNG VI: MỞ RỘNG CÁC PHẦN CỦA CÂU

PHẦN VI.I CỤM ĐỘNG TỪ

Cụm từ lấy động từ làm trung tâm gọi là cụm động từ. Thí dụ:

  • Kin nặm (uống nước)
  • Phjải khoái (đi nhanh)
  • Pây liểu (đi chơi)

Cụm động từ trong Tiếng Tày – Nùng rất nhiều vẻ. Động từ có thể được các loại từ sau đây phụ nghĩa cho nó: Danh từ, tính từ, số từ, phụ từ… Hầu hết những phần phụ trong cụm động từu đều đứng sau động từ trung tâm; chỉ một số ít phụ từ trước nó mà thôi.

1. PHẦN PHỤ ĐỨNG TRƯỚC ĐỘNG TỪ TRUNG TÂM

Phần phụ đứng trước động từ trung tâm có một số loại nhỏ, mỗi loại đều xác định khía cạnh ý nghĩa riêng khi kết hợp với động từ.

Để xác định thời gian của hành động, chúng ta dùng những phụ từ: ĐANG SLÍ (đang) chỉ thời gian hiện tại; CỎI (sẽ) chỉ thời gian tương lai; NÁO, NGÁM, CHẮNG (vừa, vừa mới) chỉ quá khứ gần (hoạt động mới xảy ra); ĐÉ, SLÉN (đã lâu) chỉ quá khứ xa (hoạt động xảy ra tương đối lâu hơn). Thí dụ:

  • Tằng bại đang slí hêt công (tất cả đang làm việc)
  • Te náo pây (nó vừa mới đi)
  • Boong te slén mà thâng dá (chúng nó đã về lâu rồi)
  • Vằn pjục khỏi cỏi xam (ngày mai tôi sẽ hỏi)

Hiện nay, để dịch các câu trong tiếng Việt cho sát ý, trong văn viết thường dùng phụ từ XẸ, ĐẠ là hai từ mượn của tiếng Việt. Thí dụ:

  • Pỉ noọng xẹ tỉnh tèo cỏ “tình đoàn kết mắn na” (bà con sẽ nghe câu chuyện “tình đoàn kết vững chắc”)
  • Rườn thơ đạ slon tập đảy pỏn quỉ cúa chựa chòi (nhà thơ đã học được vốn quí của tổ tiên)

Việc dùng XẸ, ĐẠ chưa được phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Ngoài những cách biểu đạt thời gian nói trên, trong Tiếng Tày – Nùng còn thường dùng từ DÁ (rồi) ở cuối câu để biểu thị sự việc đã tiến hành (có thể hoàn thành hoặc chưa hoàn thành) và hay dùng những đơn vị chỉ thời gian, như DĂP THEM (tí nữa), VẰN, PJỤC (ngày mai)…, ở ngoài cụm động từ để biểu thị hoạt động chưa xảy ra.

Để phủ định hoạt động do từ trung tâm biểu thị, ta dùng những từ phủ định như BẤU (không), XẰNG (chưa), DÁ (đừng)…

  • Bấu kin, bấu nòn (không ăn không ngủ)
  • Hêt nà dá tả rẩy, liệng cáy dá lừm mu (làm ruộng đừng bỏ rẫy, nuôi gà chớ quên lợn)

Để chỉ sự bị động, ta thường dùng một số động từ ít dùng độc lập như MẺN (bị, phải), THÚC (bị), LÈO (phải), PỀN (nên)…

  • mẻn thuổm (ruộng bị ngập)
  • Việc răng tố lèo hêt đây (việc gì cũng phải làm tốt)
  • Pền pây thâng tỉ (nên đi đến nơi)

2. PHẦN PHỤ ĐỨNG SAU ĐỘNG TỪ TRUNG TÂM

Phần phụ đứng sau động từ trung tâm khá phức tạp. Nó có thể là từ hay cụm từ. Về loại từ, nó có thể là danh từ, động từ, tính từ và nhiều khi cả từ chỉ số lượng và thứ tự… Sau đây, chúng ta sẽ lần lượt xét các dạng kết hợp ấy.

A. PHẦN PHỤ LÀ DANH TỪ

Động từ kết hợp với danh từ phần lớn không có quan hệ từ, những cũng có một số trường hợp cần có quan hệ từ làm môi giới. Về ý nghĩa, danh từ phụ nghĩa cho động từ trung tâm, biểu thị nhiều khía cạnh khác nhau, cụ thể là chỉ ra các mặt sau đây:

(1) Chỉ ra đối tượng của hoạt động. Thí dụ:

  • Bac tôm chay mằn (cuốc đất trồng khoai)
  • Nẳng toọc xec quá vằn (ngồi đọc sách suốt ngày)
  • Cần hung khẩu, cần hap nặm (người nấu cơm, người gánh nước)

Có một số động từ thuộc loại này thường đòi hỏi hai từ chỉ đối tượng, trong đó một đối tượng chỉ người tiếp nhận, một đối tượng chỉ sự vật bị chi phối. Đó là những động từ có ý nghĩa ban phát hoặc tiếp nhận. Vị trí của hai từ chỉ đối tượng thường được sắp xếp theo trật tự sau:

Động từ trung tâm + Từ chỉ đối tượng tiếp nhận + từ chỉ đối tượng chi phối.

  • Noọng pjá chài kỉ khon xec (em trả anh mấy quyển sách)
  • Boong hây dưm hợp tac xạ hảo lai cuôc xản (chúng ta mượn hợp tác xã khá nhiều cuốc xẻng)

Ngoài danh từ ra, đại từ xưng hô cũng thường đứng sau động từ trung tâm để chỉ ra đối tượng bị chi phối.

  • Noọng hẩư te kỉ bâư chỉa (em cho nó mấy tờ giấy)

Có lẽ vì để đảm bảo sự cân đối nhịp nhàng của câu nói, nên đối tượng chi phối thường thường do một cụm từ đảm nhiệm. Ít ai nói vắn tắt như: HẨƯ TE MAC (cho nó quả), DƯM TE CHÈN (mượn nó tiền), mà thường diễn đạt đầy đủ: HẨƯ TE HẢO LAI MAC (cho nó khá nhiều quả), HẨƯ TE SLOONG CÂN MAC (cho nó hai cân quả), DƯM TE KỈ MƯN CHÈN (vay nó mấy đồng bạc)…

(2) Chỉ ra thời gian và nơi chốn của hoạt động. Loại cụm từ này có hai dạng cấu trúc khác nhau. Dạng thứ nhất gồm những cụm từ mà giữa từ trung tâm và từ phụ nghĩa của nó không có quan hệ từ làm môi giới. Từ phụ nghĩa thường là những từ chỉ nơi chốn hoặc thời gian.

Phần phụ chỉ thời gian:

  • Slon slam dờ chắng thuộc bài (học hai giờ mới thuộc bài)
  • Phjải quá vằn bấu chải (đi suốt ngày không nghỉ)

Phần phụ chỉ nơi chốn:

  • Kỉ cần nòn xảng căn (mấy người nằm cạnh nhau)
  • Te pây Hà Nội (nó đi Hà Nội)
  • Mèng bỉ bên cằn tả xa bjooc (bướm bay bên bờ sông tìm hoa)

Dạng thứ hai bao gồm những cụm từ mà giữa từ trung tâm và từ phụ nghĩa cho nó, bao giờ cũng có quan hệ làm từ môi giới. Những quan hẹ từ đó thường dùng là: DÚ (ở), TẲM (từ, tận), THÂNG (đến), TỨ… THÂNG (từ… đến)..

Phần phụ chỉ thời gian có quan hệ từ:

  • Noọng nòn tẳm sloai (em ngủ tận trưa)
  • Mọi cần pây tẳm chạu (mọi người đi từ sáng sớm)
  • Bjai thâng pền ngài chắng mà (làm cỏ đến trưa mới về)

Phần phụ chỉ nơi chốn có quan hệ từ:

  • Lồm cải bấu pền nẳng dú côc mạy (gió to không nên ngồi ở gốc cây)

(3) Nói rõ nhân vật cùng hành động hoặc chỉ ra sự so sánh có tính chất hình tượng. Trong những cụm từ ngày, giữa từ trung tâm và từ phụ nghĩa bao giờ cũng có quan hệ làm từ môi giới. Những quan hệ từ XÁU, ĐUỔI (với), XÀY (cùng) nói lên hành động cùng một lúc. Một số từ chỉ quan hệ như PỀN, BẶNG (như), TÀY (bằng) nói lên sự so sánh.

  • Cằm tuyện mật tò cọn xáu chạng (câu chuyện kiến đánh nhau với voi)
  • Lục chảng đuổi pỉ quan mì ngịa (con nói với chàng có tình có nghĩa)
  • Te slon mí táy pỉ noọng (nó học không bằng anh em)
  • Hêt pện hên, kin pện slưa (làm như cáo, ăn như hổ)

(4) Nói rõ điều kiện hoạt động. Loại cụm từ này cũng có hai dạng kết hợp khác nhau.

Một dạng, giữa từ trung tâm và từ phụ nghĩa không có quan hệ từ và trước từ phụ nghĩa chỉ điều kiện cũng không thể có các từ phụ nghĩa thuộc loại khác nữa. Vì lẽ đó, loại cụm từ này, ở trong Tiếng Tày – Nùng, không được phổ biến (1).

(Chú thích (1): Thường thường để chỉ điều kiện hoạt động thuộc dạng thứ nhất trong Tiếng Tày – Nùng hay dùng cặp từ hô ứng AU… MÀ (lấy… về) làm môi giới. Cấu trúc cụm từ sẽ như sau: Từ chỉ công cụ luôn luôn xe và giữa cặp hô ứng đó, còn từ chỉ hoạt động bao giờ cũng đứng sau cặp hô ứng. 

Thí dụ: 

  • Au pjạ mà hẳm (lấy dao về chặt = chặt bằng dao)
  • Au lủa mà keng (lấy mai về xén = xén bằng mai))

Dạng thứ hai, bao giờ cũng có quan hệ từ làm môi giới. Một số quan hệ từ thường dùng là MỪA (về), RÈO, NÈM (theo)…

Phần phụ chỉ điều kiện không có quan hệ từ:

  • Khẩu slủ chựt (thóc đựng bồ = thóc đựng bằng bồ)
  • Ấu mỏ đin chắng mjển khoái (ninh nồi đất mới chóng nhừ = ninh bằng nồi đất mới chóng nhừ)

Phần phụ chỉ điều kiện, có quan hệ từ:

  • Tu rườn pú slổng mừa nà rẩy (gia đình cụ sống về ruộng nương)
  • Chàu mì mừa kinh tế, mắn na mừa quốc phòng (giàu có về kinh tê, vững chắc về quốc phòng)
  • Pây nèm cằn tả lẻ thâng a (đi theo bờ sông thì đến)

(5) Nói rõ kết quả của sự biến hóa. Động từ trung tâm thường là những động từ chỉ quan hệ biến hóa: PJẾN (biến), PJẾN PỀN (biến thành), PỀN (thành)…

  • Đăc pjến pền bỉ (nhộng biến thành bướm)
  • Đuc pền phon (xương thành vôi)
  • Căm ngần pền nỉ, căm khỉ pền chèn (cầm tiền thành nợ, cầm phân thành tiền)

B. PHẦN PHỤ LÀ ĐỘNG TỪ

Động từ kết hợp với động từ cũng là hiện tượng hay gặp. Các động từ thêm vào sau từ trung tâm có nhiều loại, trong đó có một số loại ý nghĩa chỉ động tác, hành vi đã bị giảm đi nhiều. Thường thường, động từ đứng sau phụ nghĩa cho từ trung tâm về những mặt sau đây:

(1) Chỉ ra phương hướng của hoạt động. Những từ phương hướng hay dùng là OOC (ra), KHẢU (vào), KHỬN (lên), LỒNG (xuống), PÂY (đi), TẺO (lại), MÀ (về)… Sau đây là các dạng kết hợp của động từ phương hướng với động từ trung tâm.

Dạng thứ nhất: Một động từ chỉ phương hướng đứng sau một động từ trung tâm. Trong trường hợp này, nếu động từ trung tâm là động từ hành vi thì sau nó có thể có bổ ngữ đối tượng, rồi mới đến phần phụ chỉ phương hướng.

  • Pin khửn (trèo lên)
  • Hẳm ooc (chặt ra) -> Hẳm đuc ooc (chặt xương ra)
  • Hăp khẩu (đóng vào) -> Hăp tu khảu (đóng cửa vào)

Dạng thứ hai: Hai động từ phương hướng kết hợp với nhau. Khi hai động từ phương hướng kết hợp với nhau để tạo thành một cụm từ thì động từ thứ nhất bao giờ cũng chỉ sự chuyển động so với địa hình (cao thấp, hẹp rộng…) động từ thứ hai chỉ hướng chuyển động so với người nói. Trong Tiếng Tày – Nùng có ba động từ chỉ hướng chuyển động so với người nói là: PÂY (đi), MÀ (về, đến), MỪA (về).

  • MÀ chỉ hướng lại gần.
  • PÂY, MỪA đều chỉ hướng đi ra xa
  • MỪA khác PÂY ở chỗ đi từ thấp lên cao.

Cũng như loại trên, nhiều khi động từ phương hướng làm từ trung tâm có thể có bổ ngữ chỉ nơi chốn xen vào giữa hai động từ.

  • Ooc pây (ra đi = đi ra) -> Ooc tả pây (ra sông đi = đi ra sông)
  • Khảu mà (vào về = đi vào) => Khảu rườn mà (vào nhà về = đi vào nhà )
  • Khửn mừa (lên về = đi lên) -> Khửn nẩy mừa (lên đây về = đi lên đây)
  • Lồng mà (xuống về = đi xuống) -> Lồng tẩư mà (xuống dưới về = đi xuống dưới)

Trong các cụm từ vừa nêu trên, động từ thứ nhất là trung tâm vì nó còn có ý nghĩa từ vựng, ở động từ thứ hai thì ý nghĩa từ vựng không còn rõ rệt nữa.

Dạng thứ ba: Một động từ trung tâm kết hợp với hai động từ phương hướng. Có nhiều động từ trung tâm thường đòi hỏi hai động từ chỉ phương hướng, nhất là khi từ trung tâm là một động từ chuyển động. Trong hai từ chỉ phương hướng đó, một từ chỉ hướng so với địa hình, một từ chỉ hướng so với người nói, và có thể có hai cách kết hợp như sau:

Động từ trung tâm + từ chỉ hướng so với địa hình + từ chỉ hướng so với người nói. Thí dụ:

  • Hỉu ooc pây (xách ra đi = xách ra)
  • Vit lồng mà (ném xuống về = ném xuống)
  • Pạt khửn mừa (vắt lên về = vắt lên)

Động từ trung tâm + từ chỉ hướng chuyển động so với địa hình + bổ ngữ nơi chốn + từ chỉ hướng so với người nói. Ví dụ:

  • Nặm luây lồng rù pây (nước chảy xuống lỗ đi = nước chảy xuống lỗ)
  • Te lẻn khảu rườn mà (nó chạy vào nhà về = nó chạy vào nhà)
  • Khau cản khửn mạy mừa (dây leo lên cây về = dây leo lên cây)

(2) Chỉ rõ kết quả của hoạt động. Thí dụ:

  • Nẳng nẩy tố chiếm hăn (ngồi đây cũng nhìn thấy)
  • Chài xéng kin lẹo (anh cố ăn hết)
  • Câừ tố bẳn mẻn (ai cũng bắn trúng)

(3) Chỉ rõ nguyên nhân và mục đích của hoạt động. Loại phần phụ này phần lớn trực tiếp đặt sau từ trung tâm. Nhưng cũng có trường hợp cần có quan hệ từ làm môi giới, và cũng có cả trường hợp có hay không có quan hệ từ cũng được.

Phần phụ không có quan hệ từ:

  • Thai rả (chết toi)
  • Xam hêt chồm (hỏi chơi)
  • Dưm toọc (mượn đọc)

Phần phụ có quan hệ từ:

  • Hêt sle dủng (làm để dùng)

Phần phụ có hay không có quan hệ từ cũng được:

  • Chay kin (trồng ăn) -> Chay sle kin (trồng để ăn)

(4) Chỉ ra quan hệ của hoạt động, tức là hoạt động tiến hành cho bản thân mình hoặc cho một đối tượng nào khác. Động từ trung tâm và động từ phụ nghĩa của loại cụm từ này thường lại có từ phụ nghĩa riêng của mình nữa. Động từ phụ nghĩa thường do động từ phát nhận HẨƯ (cho), AU (lấy)… biểu thị.

  • Noọng táng căm au (em tự cầm lấy)
  • Slấy slon hẩư (thày dạy cho)
  • Dự hẩư (mua cho) -> Dự xec hẩư khỏi (mua sách cho tôi)
  • Doại hẩư (đưa cho) -> Doại mac hẩư te (đưa quả cho nó)

Bổ ngữ chỉ đối tượng chi phối nếu chỉ là một từ thì thường thường trực tiếp đứng sau từ trung tâm; nhưng nếu là một cụm từ (chính phụ, liên hợp) thì vị trí của nó tự do hơn. Ta ít khi nói: DOẠI HẨƯ TE MAC (đưa cho nó quả) mà thường hay nói DOẠI MAC HẨƯ TE (đưa quả cho nó).

Nhưng lại có thể nói: DOẠI HẨƯ TE KỈ ĂN MAC (đưa cho nó mấy quả) hoặc DOẠI KỈ ĂN MAC HẨƯ TE (đưa mấy quả cho nó)

(5) Nói rõ hoạt động mà người khác phải thực hiện. Động từ trung tâm thường là những động từ có nghĩa cầu khiến hoặc cho phép. Giữa hai động từ có thể có đối tượng bị chi phối. Thí dụ:

  • Păt slon (bắt học) -> Păt te slon (bắt nó học)
  • Hẩư pây (cho đi) -> Hẩư chài pây (cho anh đi)
  • Riệc mà (gọi về) -> Riệc boong te mà (gọi chúng nó về)

C. PHẦN PHỤ LÀ TÍNH TỪ

Tính từ đứng sau động từ trung tâm có tác dụng chỉ ra đặc trưng tính chất hoặc kết quả của hoạt động. Đấy cũng là một loại cụm động từ rất phổ biến. Thí dụ: 

  • Sli căn phjải khoái (thi nhau đi nhanh)
  • Tày hối tày phuối rèng (nói mỗi lúc một to)
  • Hêt kin xăc xăn chắng đảy việc (làm ăn chăm chỉ mới được việc)
  • Nặm luây lưt lưt (nước chảy cuồn cuộn)
  • Lảm mắn (buộc chắc)
  • Nhọm đăm (nhuộm đen)

D. PHẦN PHỤ LÀ SỐ TỪ

Trong Tiếng Tày – Nùng, chỉ có một số ít động từ kết hợp được với số từ, vì lẽ đó nên số lượng cụm từ này không nhiều. Một số cụm từ thường gặp là những cụm từ được diễn đạt theo cách nói tắt. Thí dụ:

  • Mu ham slam (lợn khiêng ba = con lợn phải ba người khiêng)
  • Lằm càn tăc sloong (đòn gánh gãy đôi)
  • Khảm slam làm slí (quá ba sót bốn = đan sót lung tung)
  • Ái pây lèo mì sloong mì slam (muốn đi phải có hai có ba)

E. SAU ĐỘNG TỪ TRUNG TÂM CÓ THỂ THÊM CẢ MỘT CỤM TỪ CHỦ VỊ

Để xác minh cho động từ trung tâm về nhiều mặt khác nhau như: Nguyên nhân, mục đích, hậu quả… Trong một số cụm từ thuộc loại này, giữa từ trung tâm và phần phụ thường thường có các từ TẰNG, TẰNG CẠ (đến nỗi), HẨƯ (cho)… xen vào giữa. Thí dụ:

  • Mọi cần tỉnh cán bộ phuối tuyện (mọi người nghe cán bộ nói chuyện)
  • Cạ te hêt (bảo nó làm)
  • Hẳm tằng mù tứn pop thuổn (chặt đến nỗi tay phồng lên)
  • Loỏng hẩư te slính (trêu cho nó tức)